Chân chạy từ thiện: Cảnh sát Leon McLeod
McLeod là một trong ba sĩ quan đầu tiên có mặt tại hiện trường vụ tấn công khủng bố ở Cầu Luân Đôn vào ngày 3/6/2017. Vụ việc khiến năm người thiệt mạng gồm ba người đi bộ trên cầu, một cảnh sát và chính kẻ tấn công. Viên cảnh sát mật vụ 31 tuổi đến từ London sẽ chạy gây quỹ cho PTSD999, một tổ chức từ thiện hỗ trợ các nhân viên trong ngành cứu trợ khẩn cấp khỏi rối loạn sang chấn tâm lý.
"Tôi không gặp các chấn thương về thể chất hay tâm lý như nhiều người không may khác, nhưng vụ tấn công ở London hôm đó luôn là vết hằn trong tâm trí tôi", McLeod chia sẻ. "Tôi biết nhiều đồng nghiệp trong ngành của tôi đã bị ảnh hưởng bởi vụ việc. Những nhân viên cứu trợ khẩn cấp vẫn thường xuyên phải đối mặt với những vụ việc đau thương mỗi ngày trên khắp cả nước. Vụ hỏa hoạn ở tháp Grenfell và vụ khủng bố ở London năm 2017 là minh chứng rõ nét nhất".
"Hai năm sau sự việc tại London là hai năm khó khăn với tôi và nhiều người", McLeod nói thêm. "Giải Marathon tới đây là cơ hội để tôi quyên tiền cho một tổ chức từ thiện đã giúp tôi và nhiều người khác có thêm nghị lực sống".
Chân chạy giàu nghị lực: Charlotte Wong
Charlotte bị phát hiện mắc bệnh ung thư vú cách đây hai năm và ra viện vào tháng 11/2017. Cô gái 27 tuổi đến từ Manchester quyết định dự London Marathon năm nay dù chưa từng tham gia cuộc đua nào dài quá 10km.
"Trước khi bị chẩn đoán ung thư, tôi đã làm việc chăm chỉ và mang trong mình nhiều hoài bão của một cô gái trẻ", Charlotte Wong nhớ lại. "Sau đó, cuộc sống của tôi chỉ gắn liền với bệnh viện, với nhiều thủ tục, nhiều ca phẫu thuật, hóa trị hay xạ trị. Cuộc sống của tôi thay đổi đáng kể".
"May mắn cho tôi là những ca phẫu thuật đã mang đến kết quả tốt", Charlotte kể tiếp. "Tôi tăng cân và bắt đầu chạy lại. Tôi thấy chị họ tôi tham gia bốc thăm dự London Marathon và tôi làm theo. Tôi nghĩ mình sẽ không được dự giải, nhưng cơ hội đã đến với tôi".
Vượt qua lưỡi hái tử thần, nhưng không dễ để Charlotte Wong có lại thể trạng như người bình thường. "Tập luyện cho giải đấu là điều không hề đơn giản", cô chia sẻ. "Ban đầu, tôi vật lộn với những cơn đau nhưng vẫn phải tăng cường thể lực. Nhưng tôi quyết tâm và đã vượt qua khó khăn. Từ chỗ chỉ chạy được một dặm, tôi giờ đã chạy được hơn 20 dặm liên tục và sẵn sàng cho London Marathon".
Chân chạy khiếm thị: Dave Heely
Khi còn nhỏ, Heely được chẩn đoán viêm võng mạc sắc tố. Trong những năm gần đây, người đàn ông 61 tuổi đến từ West Brom dần mất đi thị lực. Nhưng điều đó không thể ngăn cản ông theo đuổi đam mê chạy bộ và gây quỹ. Năm 2016, ông hoàn thành bảy đua marathon qua bảy lục địa khác nhau.
"Không quan trọng bạn tàn tật hay không, chạy bộ là cách để cải thiện tinh thần và đưa bạn ra khỏi những vấn đề cá nhân", Heely chia sẻ. "Đó là bộ môn tuyệt vời cho nội tâm của bạn".
Không thể nhìn được, nên Dave Heely cần một người chạy bộ cùng để hướng dẫn. Bạn đồng hành của ông trong nhiều năm qua là Tony, người luôn gõ cửa nhà Dave vào mỗi sáu giờ sáng để cùng ông bắt đầu hành trình 10 dặm mỗi ngày.
"Tony nói rằng nếu không phải vì giúp tôi thì anh ấy đã không chạy", Dave kể. "Vậy nên sự kết hợp giữa chúng tôi là tốt cho cả hai. Khi chạy cùng nhau, chúng tôi thường nói chuyện, thảo luận về tin tức, về những gì cả hai đã làm. Khi tham dự London Marathon, tôi muốn chúng tôi cùng nhau hát một bài và Tony sẽ tả cho tôi những cảnh quan xung quanh".
Cặp chân chạy nổi tiếng: Aimee Fuller và mẹ
Thành viên đội trượt tuyết Vương quốc Anh Aimee Fuller sẽ cùng mẹ của cô lần đầu tham dự một cuộc thi marathon cùng nhau. Aimee chỉ mới dự một cuộc đua marathon trước đây, tại Triều Tiên hồi tháng này.
"Tôi rất phấn khích khi được trải qua hành trình này cùng với mẹ", Aimee chia sẻ. "Tôi đã thuyết phục thành công mẹ tôi tham dự cuộc thi này".
VĐV trượt tuyết này kể thêm về cách cô và mẹ tập luyện, chuẩn bị cho London Marathon: "Chúng ta đều biết tập thể dục tốt cho sức khỏe và tinh thần như thế nào. Mẹ tôi là một minh chứng. Bà ấy chạy rất nhiều và thúc đẩy tôi. Chúng tôi thi xem ai chạy nhiều hơn mỗi tuần. Vấn đề không phải là sự hơn kém về thời gian. Điều quan trọng là chúng ta làm việc gì đó có ích cùng nhau".
Aimee Fuller là một trong nhiều người nổi tiếng góp mặt tại London Marathon năm nay. Tay vợt Andy Murray sẽ chạy khai màn cho giải đấu có sự tham dự của người dẫn chương trình Chris Evans, người mẫu Nell McAndrew, cựu tay vợt Amelie Mauresmo cùng rất nhiều ngôi sao khác.
Chân chạy không từ bỏ: Kevin Quinn
Sau khi dự London Marathon 2015, Kevin Quinn bắt đầu cảm thấy đau ở ngực. Người đàn ông 39 tuổi đi khám và bác sĩ phát hiện anh có bốn lỗ hổng trong tim. Quinn phải phẫu thuật bịt ba lỗ và giảm kích thước của lỗ chính.
"Năm 2015, tôi thất vọng khi chỉ đạt thành tích 2 giờ 25 phút 57 giây", Quinn chia sẻ. "Nhưng khi bác sĩ nói tôi có vấn đề ở tim, họ thậm chí không thể tin được tôi có thể chạy với thành tích đó. Sau khi sống sót qua ca phẫu thuật, tôi cảm thấy như mình được sống một cuộc sống thứ hai. Tôi muốn tận dụng tối đa cơ thể mới và sự sống mới này".
Quinn ngừng chạy trong 10 tuần đầu sau phẫu thuật. Anh bắt đầu chạy lại dưới sự quản lý nghiêm ngặt của HLV và bác sĩ. Trong buổi chạy lại đầu tiên, Quinn cảm thấy không ổn. Bác sĩ kết luận tim của anh chưa nghỉ ngơi đủ lâu để bình phục. Quinn nghỉ thêm sáu tuần trước khi trở lại tập luyện bình thường. Anh sẽ lần đầu trở lại London Marathon sau bốn năm.
"Đây sẽ là cuộc đua marathon thứ năm của tôi và tôi hy vọng sẽ vượt qua kỷ lục cá nhân – 2 giờ 24 phút 11 giây", Kevin hào hứng nói trước thềm London Marathon 2019. "Ước muốn của tôi là chạm đến mốc 2 giờ 20 phút".
London Marathon, ra đời từ năm 1981, là một trong sáu giải marathon danh giá nhất thế giới - World Marathon Majors, bên cạnh các giải ở Boston, Chicago, New York, Berlin và Tokyo. Kỷ lục chạy full marathon của giải thuộc về Eliud Kipchoge (nam - 2 giờ 3 phút 5 giây - lập năm 2016) và Paula Radcliffe (nữ - 2 giờ 15 phút 25 giây - 2003). London Marathon 2019 có 42.000 VĐV tham dự, diễn ra lúc 9h05 giờ London, Chủ nhật 28/4, tức 15h05 cùng ngày, giờ Hà Nội. |
Nhân Đạt