Nam Bộ đang trong đợt nắng nóng diện rộng, 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C. Theo Sở An toàn Thực phẩm TP HCM, đặc trưng thời tiết của mùa nắng nóng là nhiệt độ cao cùng độ ẩm cao, tạo điều kiện vi khuẩn phát triển, dẫn đến thức ăn dễ ôi thiu. Xử lý thực phẩm, nấu ăn không đúng cách hoặc bảo quản chưa đúng, thức ăn để ở nhiệt độ thường quá lâu, ăn món đường phố không đảm bảo vệ sinh, dễ gây ngộ độc thực phẩm.
BS.CK2 Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó trưởng Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết ngộ độc thực phẩm xảy ra khi ăn, uống nhầm thực phẩm bị nhiễm trùng (vi trùng, virus, nấm, ký sinh trùng...) hoặc tồn dư hóa chất. Các vi trùng gây bệnh trực tiếp hoặc sinh các loại độc tố gây hại cơ thể.
Biểu hiện của ngộ độc thực phẩm đa dạng, thường gặp nhất là các triệu chứng tiêu hóa như nôn ói, đau bụng, tiêu chảy, sốt hoặc biểu hiện ở các cơ quan khác như gan, thận, thần kinh, tim mạch... Tùy theo loại ngộ độc, biểu hiện bệnh có thể xuất hiện ngay sau ăn hoặc cách khoảng vài giờ đến 1-2 ngày.
Nếu chỉ nôn ói, tiêu lỏng 1-2 lần, không có dấu hiệu khác, vẫn tiếp tục sinh hoạt, ăn uống bình thường, tự theo dõi tại nhà, chia nhỏ bữa ăn, uống thêm nước, không tự ý dùng các chất gây nôn. Trường hợp nôn ói nhiều, không ăn uống được, phân có máu hoặc có các dấu hiệu khác như sốt cao khó hạ, mệt, cần đến bệnh viện để khám.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM khuyến cáo ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm bằng cách ăn đồ chín, còn hạn sử dụng. Ăn chín, uống sôi, hạn chế ăn đồ sống hoặc tái. Không ăn thức ăn ôi thiu, đã hết hạn sử dụng. Dùng nguồn nước sạch, an toàn.
Có vật dụng chế biến riêng thức ăn chín và sống để tránh nhiễm khuẩn chéo, nếu dùng chung phải rửa sạch sau mỗi lần chế biến thức ăn sống. Thức ăn đã được nấu chín có thể bị nhiễm mầm bệnh do tiếp xúc trực tiếp với thức ăn sống hoặc gián tiếp với các bề mặt bẩn.
Ăn ngay sau khi vừa nấu xong, vì để lâu thức ăn càng dễ bị nhiễm vi khuẩn có hại cho sức khỏe. Bảo quản thức ăn trong tủ lạnh, không nên để quá hai giờ ở nhiệt độ thường. Khi không dùng tủ lạnh, cần che đậy cẩn thận để tránh bụi, ruồi muỗi. Muốn giữ thức ăn quá 5 giờ, phải giữ nóng liên tục trên 60°C hoặc lạnh dưới 10°C. Thức ăn cho trẻ nhỏ không nên dùng lại. Đun lại thức ăn thừa ở nhiệt độ hơn 70 độ C trước khi ăn.
Rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh... Giữ bếp và các vật dụng làm bếp sạch sẽ. Nếu tay có vết thương hãy băng kỹ và kín vết thương trước khi chế biến thức ăn.
Giữ và bảo quản lạnh thực phẩm nghi ngờ gây ngộ độc thực phẩm để gửi mẫu kiểm nghiệm tìm nguyên nhân. Không sử dụng thực phẩm nghi ngờ gây ngộ độc và cảnh báo những người thân xung quanh. Khi nhiều người cùng bị ngộ độc thực phẩm, báo ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời.
Mới đây, 367 người ngộ độc sau ăn quán cơm gà Trâm Anh ở TP Nha Trang, kiểm nghiệm cho thấy gà xé, cơm chan sốt trứng nhiễm khuẩn Salmonella và Bacillus. Mẫu lấy từ bàn tay một nhân viên nữ dương tính Staphyloccocus (tụ cầu vàng). Mẫu nước cũng nhiễm khuẩn E.coli. Đây là những thủ phạm thường gặp gây các vụ ngộ độc thực phẩm.
Lê Phương