Cùng bất động sản, tiêu dùng là một trong hai lĩnh vực các nhà kinh tế học lo ngại nhất về kinh tế Trung Quốc. Đây cũng là mảng các doanh nghiệp và nhà đầu tư đặt cược khi kỳ vọng sức mạnh tiêu thụ của tầng lớp trung lưu nước này tăng lên trong những năm tới.
Trong một cuộc họp tháng này, các lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc đã cảnh báo tăng trưởng có thể đối mặt với "bộ ba áp lực" từ nhu cầu giảm, cú sốc nguồn cung và kỳ vọng thấp đi. "Vấn đề cốt lõi của bộ ba áp lực này vẫn là nhu cầu yếu", Wang Jun – kinh tế trưởng tại Zhongyuan Bank cho biết, "Nếu nhu cầu được cải thiện, các kỳ vọng cũng sẽ được nâng lên".
Ông giải thích lý do chính khiến tốc độ tăng trưởng không duy trì được là nhu cầu yếu, do đại dịch tác động tiêu cực lên thu nhập của người dân. Ông cũng chỉ ra nhiều yếu tố khác kéo tụt nhu cầu, như chi tiêu của chính quyền địa phương cho cơ sở hạ tầng giảm. Luật cấm dạy thêm cũng ảnh hưởng đến việc làm.
Với sức ép về nguồn cung, ông cho rằng chủ yếu do đại dịch và các biện pháp nghiêm ngặt nhằm giảm khí thải carbon. Tuy nhiên, các biện pháp này gần đây đã được điều chỉnh. Chính sách hạn chế lao động quay lại công ty làm việc cũng khiến chuỗi cung ứng toàn cầu gián đoạn, gây ra thiếu hụt các linh kiện cần thiết, như sản phẩm bán dẫn.
Bất ổn nói chung về việc làm và thu nhập khiến người Trung Quốc ngại chi tiêu. Việc Bắc Kinh siết tín dụng với các hãng bất động sản phụ thuộc vào vay nợ cũng tác động đến nhận thức của người dân về tài sản, do phần lớn của cải của họ là bất động sản.
"Tiêu dùng phục hồi thế nào trong năm tới sẽ có tác động lớn đến nền kinh tế", Jianguang Shen – kinh tế trưởng tại hãng thương mại điện tử JD cho biết.
Shen nói rằng giới chức có thể kích thích tiêu dùng theo cách của Hong Kong, là phát phiếu mua sắm. Việc này sẽ buộc người tiêu dùng chi cho các ngành nhất định, như khách sạn. Họ có thể khuyến khích bằng cách tạo ra cấu trúc phân tầng, không mở khóa cho voucher tiếp theo nếu voucher hiện tại chưa hết hạn hoặc chưa được sử dụng.
Doanh số bán lẻ của Hong Kong giảm năm 2019 và 2020 do các cuộc biểu tình làm gián đoạn kinh tế, kể cả trước khi đại dịch xuất hiện. Giới chức hồi tháng 8 đã triển khai chương trình phiếu mua sắm mới nhất. Doanh số bán lẻ 10 tháng đầu năm đã tăng 8,45% do với cùng kỳ năm ngoái.
Doanh số bán lẻ của Trung Quốc năm ngoái cũng giảm, bất chấp cả nền kinh tế nói chung tăng trưởng. Vì cơ sở so sánh thấp, quý I năm nay, bán lẻ của Trung Quốc tăng vọt. Tuy nhiên, mức tăng đã chậm lại, đặc biệt từ mùa hè.
Tính theo lĩnh vực, người Trung Quốc tăng chi cho lương thực và quần áo hơn là các lĩnh vực như giáo dục hay giải trí, theo Goldman Sachs. Họ dự báo chênh lệch giữa chi cho hàng hóa và dịch vụ sẽ giảm nhẹ năm tới.
Tuy nhiên, kể cả với dự báo tăng trưởng 7% với tiêu dùng hộ gia đình năm sau, tốc độ này vẫn "thấp hơn dự báo cho năm 2022 khi chưa có Covid-19", các nhà phân tích cho biết. Họ cho rằng việc này là do chính sách zero Covid của Trung Quốc và sự suy giảm của thị trường bất động sản.
Goldman Sachs dự báo GDP Trung Quốc tăng 4,8% năm tới, giảm từ 7,8% ước tính năm nay.
Rắc rối trên thị trường bất động sản Trung Quốc thu hút sự chú ý của nhà đầu tư toàn cầu từ hè. Các hãng địa ốc nợ nần ngập đầu như Evergrande bị đẩy đến bờ vực vỡ nợ, khiến nỗi sợ lan rộng. Nỗ lực của chính phủ Trung Quốc trong việc kìm hãm mức nợ cao của lĩnh vực này, cùng giá nhà tăng vọt khiến tài chính của các hãng địa ốc bị siết chặt.
Bất động sản "là thách thức lớn nhất về tăng trưởng cho năm 2022", Larry Hu – kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc tại Macquarie cho biết trong báo cáo triển vọng. Ông dự báo số liệu về nhà bán được trong năm tới sẽ còn giảm mạnh hơn. Đầu tư vào bất động sản cũng sẽ giảm 2%, sau khi tăng 4,8% năm nay.
"Chính sách bất động sản nên chuyển từ thắt chặt sang nới lỏng phần nào năm tới. Chúng tôi cho rằng giới chức Trung Quốc sẽ bảo vệ mức tăng trưởng 5%", Hu cho biết, "Rủi ro là có thể họ sẽ hành động quá muộn, do không muốn bất động sản là động lực tăng trưởng".
Trong cuộc họp tháng này, giới chức Trung Quốc không ra tín hiệu sẽ thay đổi nhiều với chính sách bất động sản. Bắc Kinh vẫn duy trì quan điểm "nhà là để ở, không phải để đầu cơ". Wang cho rằng có thể phải vài năm nữa, Trung Quốc mới giải quyết được hết các vấn đề của ngành bất động sản. Từ giờ đến lúc đó, ông dự báo chính phủ nước này cần phát hành trái phiếu và chi nhiều hơn để giúp các chính quyền địa phương bù đắp phần doanh thu hao hụt từ bán đất cho các hãng địa ốc.
Thách thức với giới chức là giảm nợ liên quan đến bất động sản trong khi vẫn phải đảm bảo lĩnh vực bất động sản không sụt giảm quá mạnh. "Niềm tin thị trường yếu ảnh hưởng đến doanh số bán nhà ở. Người mua trì hoãn mua nhà vì kỳ vọng giá giảm thêm", Fitch cho biết trong một báo cáo tuần trước. Công ty này dự báo doanh số bán nhà tại Trung Quốc giảm 15% năm tới. Việc này có thể khiến 5 trong 40 hãng bất động sản họ theo dõi thiếu tiền mặt.
Với chính sách kinh tế năm sau, Bắc Kinh vẫn nhấn mạnh ổn định là ưu tiên hàng đầu. Năm nay, giới chức nước này cũng nhiều lần tuyên bố rõ rằng chất lượng tăng trưởng quan trọng hơn tốc độ.
Hà Thu (theo CNBC)