Sáng 22/7, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán thu, chi ngân sách Nhà nước năm 2019.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2019 tổng thu ngân sách gần 2,14 triệu tỷ đồng. Trong đó, thu dự toán trên 1,55 triệu tỷ đồng, thu chuyển nguồn năm 2018 sang năm 2019 xấp xỉ 434.357 tỷ đồng. Thu kết dư 2018 là 150.570 tỷ, thu từ quỹ dự trữ tài chính hơn 1.100 tỷ đồng.
Tổng chi ngân sách năm 2019 gần 2,12 triệu tỷ đồng, trong đó chi theo dự toán gần 1,53 triệu tỷ; chi chuyển nguồn sang 2020 hơn 591.648 tỷ đồng.
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, số liệu trên chưa điều chỉnh giảm dự toán chi thường xuyên, đồng thời tăng tương ứng dự toán chi đầu tư phát triển năm 2019 của Bộ Tài chính hơn 2.240 tỷ đồng.
Tại Nghị quyết số 70/2018, mức bội chi ngân sách được quyết định là 222.000 tỷ đồng, bằng 3,6% GDP. Sau quyết toán, ngân sách năm 2019 thâm hụt hơn 161.490 tỷ đồng, tương đương 2,67% GDP (chưa gồm kết dư ngân sách địa phương trên 177.193 tỷ đồng). So với dự toán ban đầu, bội chi ngân sách này giảm 60.509 tỷ đồng (1% GDP).
Số bội chi ngân sách 2019 sau quyết toán thực chất là khoản bội chi của ngân sách trung ương 161.490 tỷ đồng. Còn ngân sách địa phương quyết toán không bội chi.
Đến cuối 2019, Chính phủ vay trong nước hơn 123.312 tỷ đồng, vay nước ngoài trên 38.178 tỷ. Nợ công năm 2019 bằng 55% GDP. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp Chính phủ là 18,1% năm 2019, tăng 2,3% so với 2016.
Ngoài nỗ lực của Chính phủ trong kiểm soát bội chi, ông Nguyễn Phú Cường - Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách cũng chỉ ra, bội chi giảm còn do giải ngân vốn đầu tư công chậm, nhất là giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài, và còn do dự toán bội chi chưa sát, nhiều địa phương không bội chi như dự toán giao.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách cũng nêu nhiều tồn tại trong thu - chi ngân sách, lập dự toán ngân sách 2019. Một trong số hạn chế vẫn "lặp lại nhiều năm" là thực hiện thu chênh lệch lớn, tăng hơn 10% so với dự toán, thể hiện chất lượng dự báo, xây dựng dự toán hạn chế. Việc giao kế hoạch vốn đầu tư chưa sát với tiến độ thực hiện và khả năng giải ngân nên tỷ lệ giải ngân thấp...
Ngoài ra, cơ cấu thu ngân sách 2019 chưa bền vững khi tăng thu vẫn phụ thuộc nhiều vào các khoản thu bên ngoài thiếu ổn định, như thu từ dầu thô, xuất nhập khẩu, thu từ nhà, đất... Hạn chế này diễn ra trong cả giai đoạn 2015-2019, vì thế, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách nhấn mạnh, Chính phủ cần xác định nguyên nhân, trách nhiệm để khắc phục trong giai đoạn tới.
Cùng đó, nợ thuế vẫn tăng. Tỷ trọng nợ thuế so với số thực thu ngân sách bằng 8,17%, chưa đạt mục tiêu dưới 5% Quốc hội giao.
Về chi, ông Cường cũng chỉ ra, chi thường xuyên 2019 chiếm 65,2% quyết toán chi, cao hơn mục tiêu dưới 64% Quốc hội giao. Năm 2019, nhiều khoản chi thường xuyên quan trọng không đạt dự toán, riêng ngân sách Trung ương có 10/13 khoản chi không đạt.
Giải ngân vốn đầu tư công chậm là điểm trừ lớn nhất, trong đó chi đầu tư phát triển ngân sách Trung ương chỉ đạt 60% so với dự toán. Đáng lưu ý, chi đầu tư ngân sách Trung ương từ vốn nước ngoài giảm mạnh, chỉ đạt hơn 38% dự toán. Thực tế này, ông Cường nói, làm ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam với các nhà tài trợ, giảm hiệu quả sử dụng và làm tăng chi phí quản lý vốn vay.
"Bất cập này đã kéo dài nhiều năm được nêu trong các báo cáo giám sát và các báo cáo kiểm toán nhưng chưa được khắc phục nên cần làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm để chấn chỉnh", ông Cường nhận xét.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách đề nghị Chính phủ cần có giải pháp cải cách chính sách thu theo hướng phân cấp ngân sách, tăng tính chủ động cho địa phương nhưng vẫn đảm bảo vai trò chủ đạo ngân sách trung ương.
Chính phủ cũng cần chấn chỉnh quản lý chi đầu tư (lập, phân bổ, giao dự toán, thực hiện quyết toán), cũng như kiểm soát bội chi, nợ công. "Ngoài việc khống chế trong giới hạn cho phép phải tính cả khả năng vay và khả năng trả nợ để giữ gìn tín nhiệm quốc gia và bảo đảm an ninh tài chính quốc gia", ông Nguyễn Phú Cường lưu ý.
Anh Minh