Thông tin trên được Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng chia sẻ tại hội nghị ngày 8/1. Lãnh đạo Bộ cho biết, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2020 ước đạt 1,5 triệu tỷ đồng, bằng 98% dự toán, hụt thu gần 31.900 tỷ đồng nhưng vẫn tăng gần 184.000 tỷ đồng so với báo cáo Quốc hội hồi tháng 10.
Tính chung giai đoạn 5 năm từ 2016-2020, tổng thu ngân sách đạt 6,89 triệu tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra dù nguồn thu năm 2020 khó khăn, tăng trưởng kinh tế thấp hơn rất nhiều so dự kiến. Cơ cấu thu ngân sách cũng bền vững hơn khi tỷ trọng thu nội địa tăng từ 68% giai đoạn 5 năm trước lên 85,5% giai đoạn 5 năm gần đây. Trong khi đó, tỷ trọng thu dầu thô và thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm từ 30% xuống còn khoảng 14%.
Trước tình hình dịch bệnh khiến cân đối ngân sách nhà nước năm 2020 gặp khó khăn, Bộ Tài chính đã yêu cầu tiết kiệm chi phí hội nghị, công tác, tiết kiệm chi thường xuyên và tạm chưa tăng lương cơ sở với cán bộ viên chức và lương hưu. Nhờ đó, tổng số kinh phí đã cắt giảm, tiết kiệm được của ngân sách trung ương là 49.300 tỷ đồng. Tổng chi ngân sách cả năm ước khoảng 1,78 triệu tỷ đồng.
Theo đó, bội chi ngân sách nhà nước năm 2020 ước khoảng 248.500 tỷ đồng, dưới 4% GDP ước thực hiện (dự toán 3,44% GDP), tăng khoảng 14.000 tỷ đồng so với dự toán.
Tính chung 5 năm giai đoạn 2016-2020, bội chi ngân sách nhà nước bình quân khoảng 3,6% GDP, đảm bảo mục tiêu không quá 3,9% GDP theo Nghị quyết 25 của Quốc hội.
Trong năm 2020, Bộ Tài chính đã phát hành trái phiếu chính phủ để bù đắp bội chi và trả nợ gốc phù hợp với khả năng ngân quỹ nhà nước, chủ yếu là huy động vốn trung và dài hạn (không phát hành kỳ hạn dưới 5 năm) và không vay thêm từ các tổ chức tài chính quốc tế (WB, ADB....).
Kỳ hạn phát hành trái phiếu chính phủ năm 2020 đã dài gấp hơn 3,5 lần năm 2011, từ mức 3,9 năm lên bình quân khoảng 13,9 năm, nâng kỳ hạn nợ bình quân danh mục trái phiếu chính phủ cuối năm 2020 lên 8,4 năm. Lãi suất huy động bình quân cũng giảm mạnh, từ mức 12% bình quân năm 2011 xuống còn khoảng 2,86% năm 2020.
Quỳnh Trang