"Có cần thiết phải đóng cửa trường học hay không? Có lẽ là không", Thủ tướng Na Uy Erna Solberg phát biểu trên truyền hình tối 27/5, bày tỏ hoài nghi về các biện pháp kiểm soát dịch mà quốc gia này áp dụng nhằm ngăn Covid-19.
Bà Solberg thừa nhận mình đã hoảng sợ khi xem những hình ảnh về dịch bệnh hoành hành ở Italy hồi tháng 3. "Tôi có vẻ đã đưa ra nhiều quyết định trong lúc sợ hãi", bà nói.
Thủ tướng Solberg không phải người đầu tiên ở Na Uy cho rằng đóng cửa trường học, yêu cầu người dân làm việc từ xa, cấm tụ tập quá 5 người, có vẻ là các biện pháp quyết liệt quá mức.
Ngày 5/5, Viện Y tế Cộng đồng Na Uy (NIPH) công bố báo cáo cho biết vào thời điểm chính phủ áp lệnh phong tỏa hôm 12/3, tỷ lệ lây nhiễm nCoV (hệ số R) ở nước này đã giảm xuống 1,1 và xuống dưới mức 1 hôm 19/3.
"Báo cáo này cho thấy chúng tôi có thể duy trì mở cửa kết hợp với biện pháp kiểm soát virus, thay vì phong tỏa, mà vẫn đạt được hiệu quả tương tự và tránh được tác động đáng tiếc", Camilla Stoltenberg, tổng giám đốc NIPH, trả lời phỏng vấn hồi đầu tháng 5.
Việc Na Uy kiểm soát thành công Covid-19 là điều không ai có thể nghi ngờ. Quốc gia Bắc Âu này báo cáo 8.440 ca nhiễm, trong đó chỉ ghi nhận 236 trường hợp tử vong vì Covid-19. Tỷ lệ tử vong của Na Uy là 44 trên một triệu người, bằng 1/10 quốc gia láng giềng Thụy Điển, nơi đã báo cáo hơn 37.500 ca nhiễm và gần 4.400 ca tử vong.
Tuy nhiên, thành công này được đánh đổi bằng cái giá rất đắt về kinh tế - xã hội. Ủy ban phụ trách phân tích về hiệu quả của biện pháp phong tỏa hồi tháng 4 ước tính Na Uy mất khoảng 27 tỷ kroner (gần 2,8 tỷ USD) mỗi tháng. Với 0,7% dân số nhiễm nCoV, Na Uy gần như không đạt được miễn dịch cộng đồng với virus này, theo NIPH.
Ủy ban này tuần trước kết luận Na Uy nên tránh phong tỏa nếu đợt dịch thứ hai bùng phát. "Chúng tôi đề xuất một cách tiếp cận nhẹ nhàng hơn. Chúng tôi nên bắt đầu bằng các biện pháp ở mức độ cá nhân như đã có và tập trung vào khu vực bùng dịch, thay vì phong tỏa cả nước nếu dịch bùng phát trở lại", Steinar Holden, người đứng đầu ủy ban và là giáo sư kinh tế học thuộc Đại học Oslo, cho hay.
Báo cáo của ủy ban cho rằng chiến lược chống Covid-19 hiện tại của Na Uy sẽ là giải pháp tối ưu, gồm sử dụng xét nghiệm, theo dõi lịch sử tiếp xúc và cách ly tại nhà để ngăn số ca nhiễm mới tăng. Nếu biện pháp này thất bại, ủy ban của Holden cho rằng "chiến lược hãm phanh" nhằm để dịch lây lan có kiểm soát mà không giữ hệ số R dưới 1 nên được ưu tiên lựa chọn hơn biện pháp phong tỏa.
"Cái giá phải trả cho các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt trong thời gian dài sẽ cao hơn nhiều là để dịch lây lan trong cộng đồng. Bởi nó là chiến lược vô cùng tốn kém", Holden nói.
Theo báo cáo nhóm chuyên gia, chiến lược hãm phanh sẽ giúp tiết kiệm 234 tỷ kroner (hơn 24 tỷ USD), nếu từ giờ tới năm 2023, vaccine ngừa Covid-19 chưa được phát triển thành công và người dân chưa đạt khả năng miễn dịch cộng đồng. Nhưng cái giá mà Na Uy phải trả là thêm hơn 3.000 ca tử vong.
Đóng cửa trường học là biện pháp mà không chuyên gia nào nghĩ nên tái áp đặt ở Na Uy. Ủy ban của Holden hồi tháng 4 ước tính quốc gia này mất gần 700 triệu USD mỗi tháng vì biện pháp này, trong khi hiệu quả ngăn dịch là "rất nhỏ". NIPH thậm chí cho rằng đóng cửa trường học có thể tăng nguy cơ lây lan dịch.
Margrethe Greve-Isdahl, bác sĩ, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của NIPH, cho hay nếu không đóng cửa, trường học có thể là nơi phổ biến quy tắc cách biệt cộng đồng và giữ gìn vệ sinh cho cộng đồng người nhập cư.
"Học sinh có thể học các biện pháp kiểm soát dịch và tuyên truyền lại cho bố mẹ, ông bà, đặc biệt là với các cộng đồng khó có cơ hội tiếp cận thông tin này. Do đó, để học sinh tới trường có thể mang tới ảnh hưởng tích cực", Greve-Isdahl nói.
Theo NIPH, hồi cuối tháng 3 và đầu tháng 4, nhiều nhóm thanh thiếu niên đã ra ngoài tụ tập và không tuân thủ bất kỳ quy tắc phòng ngừa nào. Greve-Isdahl cho rằng nếu học sinh ở trường, các biện pháp này sẽ được thực hiện nghiêm túc hơn.
Nhưng lý do chính khiến Na Uy nhiều khả năng không đóng cửa trường học lần nữa, dù dịch bùng phát trở lại, là tác động tiêu của biện pháp này đối với học sinh, đặc biệt là nhóm trẻ em dễ bị tổn thương nhất.
Greve-Isdahl chỉ ra có nhiều báo cáo cho thấy phong tỏa không chỉ tác động xấu đến nền kinh tế, mà còn ảnh hưởng tiêu cực tới trẻ em, về cả mặt giáo dục và sức khỏe. "Tôi nghĩ khó có khả năng chúng tôi áp dụng lại các biện pháp hạn chế quyết liệt thêm lần nữa", chuyên gia này nói.
Dù ca nhiễm nCoV đang tăng trở lại, Na Uy có vẻ sẽ không lựa chọn phong tỏa lần hai. Tuy nhiên, Thủ tướng Solberg cho biết không thấy hối tiếc vì những gì đã làm. "Tôi nghĩ mình đã làm đúng. Chúng tôi phải đưa ra chiến lược an toàn cho đất nước dựa trên tình hình khi đó", bà nói.
Thanh Tâm (Theo Telegraph)