Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen hôm 29/5 thông báo sẽ dỡ hạn chế nhập cảnh với công dân Na Uy, Iceland và Đức, từ 15/6. Công dân những nước này đến Đan Mạch có thể ghé thăm Copenhagen trong ngày nhưng không được ở lại qua đêm, còn tới những khu vực khác của đất nước sẽ phải đặt phòng trước và ở lại ít nhất 6 đêm.
"Đan Mạch và Thụy Điển có mối quan hệ gần gũi và vẫn tiếp tục mối quan hệ này trong tương lai", Frederiksen nói. Đan Mạch mong muốn "tìm ra giải pháp với nước láng giềng Thụy Điển", nhưng hai nước "có lập trường khác nhau về nCoV và điều này ảnh hưởng tới quyết định đóng, mở cửa biên giới".
Frederiksen, người ban lệnh phong tỏa Đan Mạch hôm 11/3, hy vọng tìm được giải pháp cho phép đi lại giữa Đan Mạch và một số khu vực nhất định ở Thụy Điển.
Thủ tướng Na Uy Erna Solberg hôm qua cũng tuyên bố Na Uy chỉ tiếp nhận công dân Đan Mạch trong thời điểm này, nhưng sẽ thảo luận với Thụy Điển, Phần Lan và Iceland cho phép công dân nhập cảnh trong thời gian tới.
Solberg cho hay đã bàn bạc hai lần với Thủ tướng Thụy Điển Stefan Löfven nhưng Na Uy cuối cùng đã ký kết thỏa thuận song phương với Đan Mạch vì "chúng tôi có tình hình lây nhiễm tương tự, còn tình hình ở Thụy Điển lại khác hẳn".
"Rất khó để tìm ra giải pháp cho Thụy Điển, nhưng cũng có những vùng ở Thụy Điển có tỷ lệ lây nhiễm thấp mà chúng ta có thể tìm ra giải pháp", bà nói.
Quyết định của Đan Mạch và Na Uy loại trừ Thụy Điển khỏi "vòng di chuyển" Bắc Âu là cú giáng vào Stockholm. Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde cho rằng động thái này là "một quyết định chính trị" và không hợp lý về bối cảnh y tế.
Anders Tegnell, nhà dịch tễ học hàng đầu Thụy Điển, người đề ra giải pháp đối phó Covid-19 của đất nước, cho hay đối thoại giữa các nước láng giềng Bắc Âu vẫn "tiếp tục". "Chúng ta chắc chắn sẽ tìm ra giải pháp thỏa đáng", ông nói.
Thụy Điển áp dụng chính sách phòng chống Covid-19 tự nguyện. Tuy ra lệnh đóng cửa các trường học cho học sinh trên 16 tuổi, cấm tụ tập quá 50 người nhưng chính quyền Thụy Điển chỉ đề nghị, thay vì bắt buộc, người dân tránh di chuyển không cần thiết và không đi ra ngoài nếu họ đang đau ốm hoặc là người cao tuổi. Nhà hàng, cửa hàng, phòng tập thể dục vẫn mở cửa.
Thăm dò cho thấy phần lớn người Thụy Điển ủng hộ chiến lược của chính phủ, tuân thủ các biện pháp ít tính cưỡng chế hơn, trái ngược hoàn toàn với tình hình phong tỏa bắt buộc ở nhiều quốc gia, bao gồm Na Uy và Đan Mạch.
Tuy nhiên, chính sách mà Tegnell tuyên bố nhằm làm chậm sự lây lan của Covid-19 để hệ thống y tế đủ thời gian đối phó, đã bị một số chuyên gia Thụy Điển chỉ trích nặng nề. Nước này cũng ghi nhận số người chết cao hơn nhiều lần so với các nước láng giềng.
Thụy Điển báo cáo 4.350 ca tử vong vì Covid-19, tương đương 419 người/một triệu dân, gấp nhiều lần so với Na Uy là 44, Đan Mạch là 98 và Phần Lan là 57. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong của Thụy Điển vẫn thấp hơn các nước Italy, Anh, Tây Ban Nha.
Covid-19 xuất hiện ở 212 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến hơn 6 triệu người nhiễm và hơn 366.000 người chết. Mỹ vẫn là vùng dịch lớn nhất thế giới với gần 1,8 triệu ca nhiễm và hơn 104.000 ca tử vong.
Hồng Hạnh (Theo Guardian)