"Myanmar phản đối mạnh mẽ kết quả của cuộc họp khẩn các ngoại trưởng ASEAN khi quá trình thảo luận và ra quyết định về vấn đề đại diện của Myanmar được thực hiện mà không có sự đồng thuận và đi ngược lại các mục tiêu, nguyên tắc và hiến chương của ASEAN", Bộ Ngoại giao Myanmar cho biết trong thông cáo ngày 16/10.
Tuyên bố được Bộ Ngoại giao thuộc chính quyền quân sự Myanmar đưa ra sau khi Bruinei, nước chủ tịch ASEAN, ngày 15/10 thông báo không mời thống tướng Min Aung Hlaing tới dự hội nghị thượng đỉnh của hiệp hội, dự kiến tổ chức ngày 26-28/10. Thay vào đó, Brunei sẽ mời một đại diện phi chính trị từ Myanmar tới tham gia hội nghị thượng đỉnh ASEAN.
Brunei cho biết quyết định không mời thống tướng Min Aung Hlaing dự họp thượng đỉnh được đưa ra do "chưa đủ tiến bộ trong lộ trình khôi phục hòa bình" theo thỏa thuận mà Myanmar đồng ý với ASEAN hồi tháng 4. Các ngoại trưởng ASEAN cũng bày tỏ lo ngại về cam kết của chính quyền quân sự Myanmar trong việc đối thoại mang tính xây dựng với tất cả bên liên quan.
Bộ Ngoại giao Singapore ngày 16/10 cho biết họ ủng hộ việc không mời lãnh đạo Myanmar tham dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN, khẳng định đây là "quyết định khó khăn nhưng cần thiết" để duy trì sự tín nhiệm của ASEAN.
Singapore cũng kêu gọi giới chức Myanmar hợp tác với Ngoại trưởng thứ hai Brunei Erywan Yusof, đặc phái viên ASEAN về vấn đề Myanmar, để "thực hiện nhanh chóng và đầy đủ đồng thuận 5 điểm" đạt được hồi tháng 4.
Ông Erywan đã hoãn chuyến thăm được lên kế hoạch từ lâu tới Myamar, đồng thời yêu cầu giới chức nước này sắp xếp để ông gặp các bên liên quan ở Myanmar, trong đó có cựu cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi.
Zaw Min Tun, phát ngôn viên chính quyền quân sự Myanmar, cho hay ông Erywan sẽ được chào đón ở nước này, nhưng không được phép gặp Suu Kyi, vì bà đang bị truy tố hình sự.
Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah cũng ủng hộ quyết định không mời thống tướng Min Aung Hlaing dự họp thượng đỉnh ASEAN, thêm rằng chính quyền quân sự Myanmar được quyền chọn một đại diện thay thế tới dự hội nghị.
"Chúng tôi chưa từng nghĩ tới việc loại Myanmar khỏi ASEAN và cho rằng Myanmar cũng có quyền như chúng tôi", ông Saifuddin Abdullah nói. "Nhưng chính quyền quân sự Myanmar đã không hợp tác, nên ASEAN phải quyết liệt bảo vệ uy tín và sự toàn vẹn của mình".
Trong khi đó, một phát ngôn viên chính quyền quân sự Myanmar cáo buộc "nước ngoài can thiệp" vào quyết định trên của Brunei.
"Việc bỏ qua truyền thống tốt đẹp của ASEAN là thúc đẩy thống nhất trong đa dạng cùng giải quyết các khác biệt qua tham vấn và đồng thuận sẽ ảnh hưởng lớn đến tính thống nhất lẫn vai trò trung tâm của hiệp hội", thông cáo của Bộ Ngoại giao Myanmar có đoạn.
Việc từ chối cho thống tướng Min Aung Hlaing dự hội nghị thượng đỉnh là động thái "chưa từng có" của ASEAN. Thống tướng Min Aung Hlaing hồi tháng 2 lãnh đạo quân đội tiếp quản quyền lực và bắt bà Suu Kyi với cáo buộc gian lận bầu cử, sau đó truy tố bà với nhiều tội danh khác.
Myanmar lâm vào bất ổn sau chính biến, với nhiều cuộc biểu tình phản đối chính quyền quân sự nổ ra trên toàn quốc. Liên Hợp Quốc cho biết hơn 1.000 người Myanmar đã thiệt mạng trong các vụ đụng độ với lực lượng an ninh nước này, trong khi hàng nghìn người bị bắt. Chính quyền quân sự Myanmar cho rằng số người thiệt mạng tại nước này đã bị phóng đại.
Thống tướng Min Aung Hlaing hồi tháng 8 thông báo ông là Thủ tướng lâm thời Myanmar. Trong bài phát biểu trên sóng truyền hình ngày 1/8, tướng Min Aung Hlaing nhắc lại cam kết tổ chức bầu cử vào năm 2023 và cho biết chính quyền của ông sẵn sàng làm việc với đặc phái viên ASEAN phụ trách vấn đề Myanmar.
Nguyễn Tiến (Theo CNN)