Các ngoại trưởng ASEAN thống nhất tại cuộc họp khẩn hôm 15/10 rằng thống tướng Min Aung Hlaing, lãnh đạo chính quyền quân sự Myanmar, sẽ không được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh từ ngày 26/10 đến 28/10, Brunei, nước chủ tịch ASEAN cho hay.
Quyết định được đưa ra sau khi chính quyền quân sự Myanmar từ chối đề nghị của đặc phái viên ASEAN về Myanmar được gặp tất cả các bên liên quan, gồm lãnh đạo bị lật đổ Aung San Suu Kyi.
Tuyên bố sau cuộc họp của các ngoại trưởng lưu ý việc thực hiện kế hoạch 5 điểm được các lãnh đạo ASEAN thống nhất hồi tháng 4 nhằm chấm dứt tình trạng hỗn loạn sau đảo chính ở Myanmar "chưa đủ tiến bộ". Một số quốc gia thành viên khuyến nghị nên tạo "không gian để Myanmar khôi phục công việc nội bộ và trở lại bình thường".
Tuyên bố cũng nêu rõ ASEAN "đã quyết định mời một đại diện phi chính trị từ Myanmar" dự hội nghị thượng đỉnh.
Chính quyền quân đội Myanmar hiện chưa bình luận về thông tin trên.
Myanmar rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ cuộc đảo chính hồi tháng 2. Theo Liên Hợp Quốc, hơn 1.100 người đã thiệt mạng, phần lớn trong cuộc trấn áp của lực lượng an ninh với các cuộc đình công và biểu tình, trong khi hàng nghìn người bị bắt.
ASEAN hồi tháng 4 họp cùng thống tướng Min Aung Hlaing tại Indonesia và đi đến đồng thuận 5 điểm, trong đó nhất trí "cần chấm dứt ngay lập tức bạo lực tại Myanmar và mọi bên cần kiềm chế cao nhất". ASEAN cũng thúc đẩy cơ chế đặc phái viên làm trung gian cho tiến trình đối thoại giữa các bên, với sự hỗ trợ của tổng thư ký tổ chức khu vực, đồng thời hỗ trợ nhân đạo cho người dân nước này. Ngoài ra, đặc phái viên và phái đoàn sẽ đến thăm Myanmar để gặp gỡ mọi bên liên quan.
Erywan Yusof, Ngoại trưởng thứ hai của Brunei, được bổ nhiệm làm đặc phái viên ASEAN về Myanmar hồi tháng 8, chịu trách nhiệm chấm dứt bạo lực ở Myanmar, mở ra cuộc đối thoại giữa các nhà cầm quyền quân sự và phe đối lập.
"Malaysia rất thất vọng vì sau 6 tháng, Ngoại trưởng Erywan vẫn chưa thể đến Myanmar", Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah cho biết trước cuộc họp với các ngoại trưởng ASEAN hôm qua. "Nếu không có tiến triển thực sự thì lập trường của Malaysia vẫn là không muốn thống tướng Myanmar dự hội nghị thượng đỉnh. Chúng tôi không thỏa hiệp về điều đó".
Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi đăng Twitter sau cuộc họp rằng Jakarta thấy Myanmar "không nên đại diện ở cấp độ chính trị" tại hội nghị thượng đỉnh cho đến khi khôi phục "nền dân chủ thông qua quá trình gồm tất cả các bên".
Tại cuộc họp đầu tháng này, các ngoại trưởng ASEAN cũng bày tỏ thất vọng vì sự thiếu hợp tác của Hội đồng Hành chính Nhà nước (SAC), cách gọi chính quyền quân sự Myanmar, trong việc thực thi đồng thuận 5 điểm.
Huyền Lê (Theo AFP)