Erywan được giao nhiệm vụ chấm dứt bạo lực ở Myanmar, mở ra cuộc đối thoại giữa các nhà cầm quyền quân sự và phe đối lập, theo thông cáo được công bố sau các cuộc họp vào ngày 2/8 và 4/8 của các ngoại trưởng ASEAN.
Nhà ngoại giao sẽ giám sát một gói viện trợ nhân đạo, dù ASEAN chưa công khai thông tin chi tiết về khoản hỗ trợ. Thông cáo kêu gọi Trung tâm Điều phối ASEAN về Hỗ trợ Nhân đạo bắt đầu "hướng dẫn chính sách".
Quân đội Myanmar đã lật đổ chính phủ dân cử cách đây 6 tháng, khiến đất nước rơi vào tình trạng hỗn loạn khi lực lượng an ninh giải tán các cuộc biểu tình và nền kinh tế của nước này sa sút. Khủng hoảng nhân đạo trở nên tồi tệ hơn trong tháng qua khi ca Covid-19 gia tăng, khiến hệ thống y tế bị quá tải.
Đại diện của chính quyền quân sự Myanmar tại cuộc họp đã phản đối yêu cầu từ các thành viên ASEAN là cho phép các nhân viên nhân đạo tự do cung cấp viện trợ đến những khu vực mà họ cho là cần thiết nhất, theo hai nguồn thạo tin.
Bộ Ngoại giao Indonesia cho biết trong một tuyên bố riêng rằng đặc phái viên sẽ sớm bắt đầu làm việc và có "quyền tiếp cận đầy đủ với tất cả các bên" tại Myanmar. Nhiều người thuộc phe đối lập Myanmar, bao gồm lãnh đạo bị lật đổ Aung San Suu Kyi, đang bị quản thúc tại nhà hoặc giam trong tù.
Phương Vũ (Theo Reuters)