Turnell, công dân Australia làm cố vấn cho bà Aung San Suu Kyi và cũng bị bắt sau cuộc đảo chính hôm 1/2, đang bị điều tra vì vi phạm luật nhập cư và bảo vệ bí mật nhà nước của Myanmar, Zaw Min Tun, phát ngôn viên của chính quyền quân sự, nói tại họp báo ngày 23/3. Nếu bị kết tội, ông Turnell có thể phải ngồi tù nhiều năm.
"Chúng tôi đã cho phép Turnell nói chuyện điện thoại với gia đình hai lần và sẽ tiếp tục cho phép ông ấy làm điều đó", Zaw Min Tun nói.
Cuộc điều tra được tiến hành giữa lúc quân đội Myanmar đối mặt nhiều lệnh trừng phạt từ Mỹ và các đồng minh, sau khi mạnh tay trấn áp biểu tình khiến hơn 260 người thiệt mạng, theo Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP).
Mỹ ngày 22/3 tiếp tục tăng cường biện pháp trừng phạt mới nhắm vào các cá nhân và thể chế ở Myanmar, trong đó có hai sư đoàn quân đội. Trước đó cùng ngày, Liên minh châu Âu (EU) cũng thông báo các biện pháp hạn chế riêng với 11 cá nhân chịu trách nhiệm tiến hành đảo chính quân sự, gồm Thống tướng Min Aung Hlaing.
Tuần trước, chính quyền quân sự tiếp tục công bố cáo buộc tham nhũng đối với bà Suu Kyi, nhằm biện minh cho cuộc đảo chính và bắt giam bà. Quân đội Myanmar hôm nay đã công bố lời khai của cựu thủ hiến vùng Yangon Phyo Min Thein, trong đó thừa nhận hành vi hối lộ bà Suu Kyi.
Ngoài cáo buộc tham nhũng, Cố vấn Nhà nước Myanmar còn bị buộc tội nhập khẩu trái phép thiết bị liên lạc và vi phạm quy tắc chống Covid-19. Bà có thể bị cấm tham gia chính trị nếu bị kết tội. Luật sư đại diện cho bà Suu Kyi và một số chính phủ phương Tây đã tuyên bố những cáo buộc này là bịa đặt.
Trong cuộc họp báo hôm 23/3, người phát ngôn Zaw Min Tun cũng cảnh báo giới báo chí không được liên lạc với chính quyền do các thành viên của Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) thành lập và dọa có hành động pháp lý. Ông thêm rằng chính quyền chưa có kế hoạch sớm dỡ bỏ các hạn chế Internet do hành vi "kích động bạo lực trực tuyến" tại nước này.
"Người dân đang sử dụng Internet di động để xúi giục hành vi phá hoại", ông nói.
Thanh Tâm (Theo Bloomberg)