Điều quan trọng nhất đối với một đất nước là "pháp quyền và sự ổn định", do đó Internet sẽ bị hạn chế trong "khoảng thời gian nhất định", phát ngôn viên chính quyền quân sự Myanmar Zaw Min Tun cho biết trong cuộc họp báo ngày 23/3. Ông cho biết đã xảy ra hành vi "kích động bạo lực trực tuyến" tại Myanmar.
Zaw Min Tun nói quân đội tôn trọng các đơn vị truyền thông và cho phép họ đưa tin về các cuộc biểu tình, song khẳng định việc "dẫn dắt các cuộc biểu tình là hành vi phạm tội".
Phát ngôn viên Zaw Min Tun cho biết các cuộc biểu tình và bạo lực tại Myanmar "đang giảm dần", giới chức nước này sẽ tập trung vào các hành vi kích động và lực lượng an ninh "sẽ sử dụng vũ lực ít nhất có thể" nếu xảy ra bạo động.
Kết nối Internet tại Myanmar nhiều lần gián đoạn diện rộng khi các cuộc biểu tình nổ ra nhằm phản đối quân đội bắt Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và tiếp quản quyền lực, khiến lực lượng an ninh sử dụng vũ lực để đẩy lùi. Các vụ đụng độ khiến 164 dân thường cùng 9 nhân viên an ninh thiệt mạng, giới chức Myanmar cho biết.
Trong buổi họp báo ngày 23/3, chính quyền quân sự Myanmar công bố video lời khai của cựu thủ hiến vùng Yangon Phyo Min Thein, cho biết ông đã đến "thăm" Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi nhiều lần và đưa tiền cho bà "bất cứ khi nào cần". Ngoài tiền mặt, Thein còn nói đã đưa vàng miếng và lụa cho bà Suu Kyi.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã lên án quân đội Myanmar tiếp tục hành động bạo lực với người biểu tình, cho rằng cộng đồng quốc tế cần có "phản ứng thống nhất, vững chắc" với cuộc khủng hoảng ở nước này.
Các nước phương Tây đã nhiều lần lên án và áp trừng phạt với quân đội Myanmar, kêu gọi lập tức dừng sử dụng bạo lực với dân thường. Các nước trong khu vực như Indonesia cũng kêu gọi chính quyền quân đội Myanmar chấm dứt tình trạng bạo lực, giải quyết bằng biện pháp đối thoại hòa bình.
Nguyễn Tiến (Theo Reuters)