"Tổng thống không phản đối thương vụ. Ông ấy dự định xúc tiến quá trình chuyển giao", cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói hôm nay nhưng không nêu mốc thời gian cụ thể.
Động thái diễn ra sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cuối ngày 10/7 chấp thuận chuyển đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển cho quốc hội nước này phê chuẩn. Ankara trước đó từ chối duyệt Stockholm vào liên minh, cáo buộc Thụy Điển "chứa chấp các phần tử khủng bố người Kurd".
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cùng ngày đã điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Yasar Guler để bày tỏ ủng hộ nỗ lực hiện đại hóa quân đội của Ankara.
Tổng thống Erdogan ngày 10/7 nói không có tương quan giữa thương vụ F-16 với Mỹ và việc chấp thuận Thụy Điển vào NATO. Ông và Tổng thống Biden dự kiến gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius, Litva, diễn ra ngày 11-12/7 để thảo luận thêm.
Thổ Nhĩ Kỳ đặt hàng hơn 100 tiêm kích tàng hình F-35A do tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ chế tạo, nhưng bị loại khỏi dự án năm 2019 sau khi mua tổ hợp phòng không S-400 do Nga sản xuất.
Thổ Nhĩ Kỳ tháng 10/2021 cho biết Mỹ đề xuất bán F-16 để bù khoản tiền 1,4 tỷ USD mà nước này đầu tư vào dự án F-35. Ankara sau đó đề nghị mua 40 tiêm kích hạng nhẹ F-16 và gần 80 bộ phụ tùng để hiện đại hóa lực lượng chiến đấu cơ hiện có, trong thương vụ có tổng trị giá 20 tỷ USD.
Thụy Điển và Phần Lan hồi tháng 5/2022 nộp đơn xin gia nhập NATO, kết thúc hàng thập kỷ duy trì chính sách không liên kết về quân sự. Phần Lan ngày 4/4 gia nhập thành công, sau khi nhận được sự ủng hộ từ 30 nước thành viên, trong khi Thụy Điển nhiều tháng qua gặp trở ngại từ Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary.
Một số đồng minh NATO cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ muốn dùng Thụy Điển làm quân bài mặc cả để gây sức ép với Mỹ về thương vụ F-16. Trong khi đó, một số nghị sĩ Mỹ, như chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Bob Menendez, phản đối thương vụ với các lý do Ankara cản trở Stockholm, quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Hy Lạp xấu đi cùng một số vấn đề khác.
Sau khi Ankara bật đèn xanh cho Stockholm, nghị sĩ Menendez ngày 10/7 nói "sự gây hấn của Thổ Nhĩ Kỳ với các nước láng giềng" đã "tạm lắng". Ông sẽ trao đổi với chính quyền Tổng thống Biden về quan điểm của mình với thương vụ F-16 và có thể ra quyết định cuối cùng trong tuần sau.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto hôm nay nói việc nước này chấp thuận cho Thụy Điển vào NATO "chỉ còn là vấn đề kỹ thuật", sau khi Thổ Nhĩ Kỳ đã "bật đèn xanh". Budapest trước đó ngụ ý sẽ theo sau Ankara trong vấn đề.
Như Tâm (Theo Reuters, AFP)