Gerald F. Seib là trưởng văn phòng Washington của tờ báo danh tiếng Wall Street Journal. Ông thường xuyên xuất hiện trên các kênh truyền hình như CNN, BBC, CNBC... và đóng góp nhiều bình luận cũng như phân tích có giá trị. Dưới đây là nhận định của ông về những nỗi lo tiềm ẩn mà Mỹ và đồng minh phải đối mặt trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại trong quyết định của Tổng thống Mỹ Barack Obama về việc tấn công và tiêu diệt hoàn toàn quân khủng bố IS ở Iraq và Syria. Chuyên gia phân tích gần đây đưa ra không ít đánh giá xung quanh thành bại của chiến dịch chống IS cũng như những mối nguy hiểm liên quan. Trong số đó có ba điểm rất cần lưu tâm.
Thứ nhất, sẽ ra sao nếu cuộc chiến đang rất căng thẳng hiện nay chính xác là điều IS mong muốn? Thông thường, một nhóm với quy mô trung bình, chỉ với khoảng 20.000 tay súng như tổ chức khủng bố này sẽ làm mọi cách để né tránh xung đột với các quốc gia có sức mạnh quân sự hàng đầu thế giới, Seib nhận xét.
Tuy nhiên, logic không phải lúc nào cũng đúng với những thế lực giống như IS. Nhiều khả năng các lãnh đạo của IS thực chất tham vọng gây ra các cuộc đối đầu và coi đó như đòn bẩy lợi ích cho chiến lược dài hạn của chúng.
Một tổ chức nhỏ nhoi lại có thể thu hút toàn bộ sự chú ý của thế giới, buộc các siêu cường quốc phải liên minh lại để đối phó, dường như là một huân chương danh dự đáng tự hào đối với hệ tư tưởng cực đoan. Trong trường hợp này, "huân chương" đó sẽ như tín hiệu mạnh mẽ cho thấy IS đã đạt đến một uy quyền tối thượng trong thế giới của các nhóm Hồi giáo cực đoan. "Huân chương" đó khiến IS trở nên khác biệt và nổi bật. Điều này sẽ mang đến cho chúng một lợi thế vô cùng to lớn trong việc chiêu mộ những tay súng trẻ từ khắp mọi nơi. Đồng thời, việc huy động các nguồn tiền cũng vì thế mà trở nên dễ dàng hơn.
Quân khủng bố IS luôn tồn tại một lối suy nghĩ cho rằng cuộc chiến với phương Tây là điều không thể tránh khỏi. Điều này được phân tích từ các tài liệu lưu truyền trong nội bộ IS. Người Hồi giáo "phải đưa ra một tuyên bố có thể khiến cả thế giới lắng nghe và thấu hiểu về chủ nghĩa khủng bố, đồng thời chà đạp biểu tượng của chủ nghĩa dân tộc, phá hủy biểu tượng của nền dân chủ và bộc lộ bản chất tà ác của chúng", Abu Bark al-Baghdadi, thủ lĩnh IS, phát biểu khi đọc diễn văn thành lập quốc gia Hồi giáo tự xưng.
Thứ hai, khi thế giới quá tập trung chú ý vào IS, nguy cơ Mỹ và đồng minh bị tấn công bất ngờ bởi các nhóm khủng bố khác sẽ gia tăng. Quan chức Mỹ lo lắng khi một số tổ chức cực đoan nhận ra sức mạnh và tầm ảnh hưởng của mình bị lấn át bởi IS, chúng sẽ ấp ủ những âm mưu tấn công khủng bố mới để giành lại hào quang và khẳng định sự hiện diện của mình. Đây cũng là lý do khiến nhiều nước gia tăng mức độ cảnh báo khủng bố.
Al Qaeda là nhóm có khả năng thực hiện các cuộc tấn công kiểu như vậy nhiều hơn cả. IS ban đầu là nhánh nhỏ của Al Qaeda tại Iraq. Tuy nhiên, hiện tại, chúng đã rũ sạch mọi ràng buộc với lãnh đạo cũ và công khai chỉ trích cách thức mở rộng tầm ảnh hưởng đối với giới Hồi giáo của Al Qaeda.
Trong một bài viết đăng trên tờ Wall Street Journal, Michael Kugelman, học giả tại Trung Tâm Quốc tế Woodrow Wilson, cũng liệt kê ba nhóm khủng bố khác từng lên tiếng cảnh báo nước Mỹ, trong đó có tổ chức Al Qaeda ở bán đảo Arab, Lashkar-e-Taiban tại Pakistan và Taliban.
Cuối cùng, nhiệt huyết và sự ủng hộ đối với cuộc chiến chống IS của người Mỹ rất dễ thay đổi. Thời điểm hiện tại, công chúng đang cảm thấy bị xúc phạm nặng nề trước các đoạn băng hành quyết chặt đầu mà IS phát tán rộng rãi. Họ ở trong trạng thái muốn có những hành động cụ thể. Hai phần ba số người tham gia cuộc bỏ phiếu tuần trước trên WSJ và NBC News đồng ý cho rằng động thái tấn công IS là vì chính lợi ích của nước Mỹ.
Phiếu bầu cũng cho thấy dân chúng Mỹ hành động trong bối cảnh nỗi lo sợ đối với các mối đe dọa khủng bố đang nhen nhóm. Lượng người cho rằng nước Mỹ hiện nay kém an toàn hơn so với trước sự kiện 11/9 nhảy vọt từ 28% hồi năm ngoái lên 47%. Chỉ 26% số người được hỏi cho rằng Mỹ đang trở nên đáng tin cậy hơn so với 13 năm trước, khi thảm họa khủng bố xảy ra.
Nhưng chẳng có gì đảm bảo mối lo âu này có thể tồn tại trong thời gian dài. Liệu nước Mỹ vẫn có thể duy trì sự ủng hộ đối với cuộc chiến mà ông Obama cũng như các chuyên gia phân tích đều cho rằng sẽ mất rất lâu để giành thắng lợi cuối cùng?
Cho tới những ngày gần đây, tâm trạng của công chúng đã có sự thay đổi. Họ kiên quyết phản đối sự can thiệp của Mỹ vào một cuộc chiến tranh khác ở vùng Trung Đông. Hiện nay, Mỹ dường như đang tham gia vào cuộc chiến như thế, sẽ có những thăng trầm và thời khắc tin xấu dồn dập đổ về. Rất khó để khẳng định chắc chắn quyết tâm hiện nay sẽ vững vàng và có giá trị về sau.
Vũ Hoàng (theo Wall Street Journal)