"Ta đã trở lại, Obama, và ta trở lại vì chính sách đối ngoại đầy ngạo mạn của các người đối với Nhà nước Hồi giáo, bởi các cuộc oanh tạc bom liên tục diễn ra", tên khủng bố đã sát hại nhà báo tự do người Mỹ Steven Sotloff trong đoạn băng ghi hình được công bố hôm 2/9.
"Nhân cơ hội này chúng ta muốn răn đe chính phủ các nước đã gia nhập liên minh ma quỷ với Mỹ cùng chống lại Nhà nước Hồi giáo, hãy thoái lui và để người của chúng ta được yên", hắn tiếp tục với giọng điệu hăm dọa.
Thực tế, chuyên gia phân tích Mỹ đều hiểu rằng những tên khủng bố của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) chỉ đang cố gắng kích động Mỹ tăng quy mô hoạt động quân sự chống lại chúng và mở các cuộc tấn công trên bộ. Cảnh báo chỉ là mục đích thứ yếu.
"Đối với chúng, không có gì thích thú bằng việc chúng ta tiến hành can thiệp quân sự trên mặt đất", Michael Scheuer, cựu lãnh đạo đơn vị chống bin Laden của CIA, bình luận trên Fox News ngay sau khi tin tức về vụ hành quyết Sotloff được công bố.
"Điều đó giúp chúng kiếm nhiều tiền hơn, thu hút nhiều phần tử tham gia hơn", ông nói. "IS rất tin tưởng rằng ta sẽ không thể hiện diện quân sự ở đó đủ lâu để tiêu diệt chúng hoàn toàn".
Ít nhất từng có một chiến binh IS trực tiếp đưa ra lời thách thức như vậy. "Ta thông báo với nước Mỹ rằng nhà nước Hồi giáo caliphate đã thành lập. Đừng tỏ ra hèn nhát với những cuộc tấn công bằng phi cơ nữa. Thay vào đó, hãy gửi lính của các ngươi, những kẻ đã bị làm bẽ mặt ở Iraq, tới đây. Chúng ta sẽ làm nhục chúng ở khắp mọi nơi, và chúng ta sẽ giương cao lá cờ của Allah tại Nhà Trắng", Abu Mosa kẻ phát ngôn cho nhóm khủng bố nói trong một đoạn video phỏng vấn do VICE Media cung cấp hồi tháng trước.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đến nay vẫn bỏ ngoài tai mọi lời công kích từ IS, trong khi vẫn chịu những áp lực đang tăng cao từ bên trong nước Mỹ thúc giục mở rộng hoạt động quân sự.
Một số chuyên gia cho rằng những cuộc không kích có nhiều hạn chế và chỉ có thể kìm hãm sự mở rộng của bè lũ khủng bố chứ không thể đánh bại chúng hoàn toàn. Giới phân tích suy đoán ông Obama thực hiện động thái này vì còn phân vân và bị ảnh hưởng bởi chiến lược tốn kém "kéo hết chúng ra" năm xưa của cựu Tổng thống George W. Bush sau sự kiện 11/9/2001.
Obama cũng cho thấy suy nghĩ rằng chỉ có thể tiêu diệt hoàn toàn IS bằng những chiến dịch dài hạn có nền tảng từ việc xây dựng mạng lưới liên minh ở địa phương và trong khu vực. Hành vi vũ lực tức thời không giải quyết được gốc rễ vấn đề, Nick O'Malley, chuyên gia phân tích từ SMH và The Age, nhận định.
Stephen Walt, giáo sư về quan hệ quốc tế tại đại học Harvard, cho rằng can thiệp quân sự mạnh mẽ sẽ cướp đi sinh mạng của nhiều người vô tội. Điều đó rất khủng khiếp, chúng gần như không đem lại lợi ích và tác động chiến lược.
"Yêu cầu cấp thiết đối với Mỹ và các quốc gia liên quan là giữ bình tĩnh và xây dựng phương pháp ứng phó hiệu quả, không bị ảnh hưởng quá mức bởi các hành vi bạo lực dù chúng tàn nhẫn và gây xáo trộn đến thế nào".
Ông cũng cho rằng ngay cả khi Mỹ quay trở lại Iraq với lực lượng bộ binh hùng hậu, Washington có khả năng đánh tan tác IS trên chiến trường nhưng không thể phá hủy mầm mống chúng tận gốc. Tấn công quân sự trên bộ rất dễ làm tình hình trở nên trầm trọng hơn. Một cuộc tấn công tổng lực và toàn diện dù có phát huy tác dụng thì cũng không hề cân xứng so với mối nguy hại mà IS đem tới cho Mỹ, Walt bình luận.
Hiện tại Quốc hội Mỹ vẫn chưa đưa ra một gợi ý hành động nào. Quốc hội hiểu rõ rằng dân chúng Mỹ không bao giờ ủng hộ một cuộc chiến tranh mới, vì vậy họ chỉ đưa ra những yêu cầu mơ hồ rằng Nhà Trắng "cần làm gì đó".
Ông Obama đang chủ trì một cuộc cải cách nền kinh tế vốn được mong chờ từ lâu. Bên cạnh đó, cuộc bầu cử quốc hội sắp diễn ra, cử tri có thể sẽ mang một cái nhìn nghiêm trọng và thiếu thiện cảm đối với hành vi can thiệp quân sự quá sâu ở nước ngoài, SMH phân tích. Đây dường như là một phần của nguyên do ông Obama trì hoãn những động thái quyết liệt đối với IS.
Quan điểm kiềm chế, không vội tiến hành đàn áp quân sự là phổ biến ở Washington nhưng không phải ai cũng nghĩ như vậy.
Trong cuộc phỏng vấn với CNN sau khi đoạn băng hành quyết Sotloff được lan truyền, ông Eliot Engel, thành viên cấp cao của đảng Dân chủ thuộc Ủy ban Ngoại giao Hạ viện, nói "Đây chính xác là lý do tại sao chúng ta phải truy đuổi IS đến cùng, tại sao chúng ta không thể cho phép chúng tàn phá hơn nữa".
Ông Scheuer thuộc đơn vị chống khủng bố thì tin tưởng rằng Mỹ nên đem quân trở lại và duy trì hiện diện trong khu vực cho đến khi đảm bảo một chiến thắng cuối cùng và toàn diện trước IS và các nhóm khủng bố khác.
Vũ Hoàng (theo SMH)