Tuyên bố do Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Xavier Becerra đưa ra trong buổi họp báo cùng các quan chức y tế hàng đầu khác. Động thái này sẽ kích hoạt những khoản ngân sách mới, công tác hỗ trợ thu thập dữ liệu và cho phép triển khai nhân lực bổ sung cho cuộc chiến chống lại dịch bệnh đậu mùa khỉ.
"Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng để phản ứng ở cấp độ tiếp theo trong nỗ lực giải quyết loại virus này. Chúng tôi kêu gọi người Mỹ cẩn trọng với bệnh đậu mùa khỉ và góp sức đối phó với mầm bệnh", ông Becerra cho biết.
Sau thông điệp liên bang này, thành phố New York và San Francisco, cùng hai bang California và Illinois - cũng tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp, cho phép giải phóng kinh phí và nguồn lực để ứng phó dịch bệnh.
Lawrence Gostin, chuyên gia luật sức khỏe tại Đại học Georgetown, gọi tuyên bố mới là "bước ngoặt quan trọng trong ứng phó đậu mùa khỉ sau khởi đầu chậm chạp".
Đây là lần thứ 5 Mỹ ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia kể từ năm 2001. Lần gần nhất là đối với Covid-19 khi bệnh này mới xuất hiện hơn hai năm trước. Thời điểm cựu Tổng thống Donald Trump tuyên bố Covid-19 là tình trạng khẩn cấp quốc gia, số ca nhiễm là hơn 2.400, trong đó 50 người đã tử vong.
Với việc coi Covid-19 là tình trạng khẩn cấp, các bang của Mỹ sẽ có thêm nguồn lực và y bác sĩ được linh hoạt hơn khi đối phó dịch. Cụ thể, giới chức y tế có thể bỏ qua các kênh thông thường để tiếp cận nhanh thuốc, vaccine và dụng cụ xét nghiệm, nhằm tăng tốc độ phát hiện ca nhiễm và điều trị. Ngoài ra, bệnh nhân sẽ được cung cấp dịch vụ y tế từ xa dễ dàng hơn, không phải trực tiếp đến văn phòng bác sĩ, xóa bỏ một số quy định cấp phép để các bác sĩ có thể hành nghề ở các bang khác và xoá bỏ giới hạn về khả năng tiếp nhận bệnh nhân của các bệnh viện.
Thực tế cho thấy, việc kích hoạt tình trạng này đã thúc đẩy vaccine, thuốc chữa bệnh, kit xét nghiệm Covid... ra đời với tốc độ thần tốc, góp phần đẩy lùi đại dịch nhanh chóng.
Với đậu mùa khỉ, nguồn cung vaccine Jynneos (dùng để phòng ngừa) tại Mỹ rất hạn chế. Chính quyền đã bị chỉ trích vì không nhanh chóng mua thêm vaccine, mở rộng quyền tiếp cận tiêm chủng của người dân.
Cách đây gần 10 năm, Mỹ có 20 triệu liều Jynneos. Đến tháng 5 năm nay, phần lớn chúng đã hết hạn. Để giải quyết tình trạng thiếu vaccine, tiến sĩ Robert Califf, ủy viên Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA), cho biết cơ quan đang tìm hiểu chiến lược mở rộng số liều hiện có bằng cách tiêm thành nhiều mũi khác nhau trên bề mặt da, thay vì lớp mỡ dưới da. Nếu phương pháp này hiệu quả, một phần năm số liều hiện tại có thể bảo vệ cộng đồng trước virus. Tiến sĩ Califf rất lạc quan về ý tưởng này, dự kiến sẽ đưa ra quyết định cuối cùng trong vài ngày tới.
Trong khi đó, các xét nghiệm đậu mùa khỉ rất khó thực hiện, việc giám sát còn nhiều thiếu sót. Mỹ chưa thể thống kê đầy đủ số ca mắc mới. Chính quyền cũng bị chỉ trích vì không tuyên truyền, giáo dục đầy đủ cho người dân trong nhóm đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT), những người có nguy cơ cao nhất.
Đậu mùa khỉ tương tự bệnh đậu mùa, nhưng có các triệu chứng ít nghiêm trọng hơn. Trước đây, virus chủ yếu xuất hiện tại khu vực Trung và Tây Phi. Trong đợt bùng phát mới nhất, Mỹ có số ca nhiễm lớn nhất thế giới, virus lây lan nhanh chóng. Nước này ghi nhận gần 7.000 trường hợp dương tính, gấp 10 lần so với một tháng trước đó. Hơn 99% người nhiễm đậu mùa khỉ ở Mỹ là nam giới từng quan hệ tình dục đồng tính. Điều này đặt thách thức về giáo dục cộng đồng về mối đe dọa của căn bệnh. Chính phủ Mỹ muốn tránh sự kỳ thị không đáng có từng xảy ra trong giai đoạn đầu dịch HIV/AIDS.
Từ tháng 5 đến nay, bệnh đậu mùa khỉ tăng liên tục cả về số ca lẫn số quốc gia, vùng lãnh thổ ghi nhận ca bệnh. Đến ngày 30/7, WHO ghi nhận trên 21.000 ca mắc tại 78 quốc gia, trong đó có 7 trường hợp tử vong (gồm hai trường hợp có kèm bệnh nền tử vong tại Brazil và Tây Ban Nha).
Biểu hiện thường gặp của bệnh là sốt, đau đầu, đau cơ, đau lưng, suy nhược, sưng hạch và phát ban hoặc tổn thương da. Các triệu chứng thường tự khỏi trong vòng 2 đến 3 tuần, tuy nhiên bệnh có thể diễn biến nặng ở trẻ em, phụ nữ mang thai hoặc người suy giảm miễn dịch.
Thục Linh (Theo Reuters)