Sáng 29/7, tiến sĩ Eric Dziuban, Giám đốc phụ trách văn phòng Việt Nam của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, cho biết dựa trên các số liệu hiện có, CDC tính toán tỷ lệ tử vong của bệnh đậu mùa khỉ khoảng 0,03%.
Cụ thể, đến ngày 22/7, thế giới ghi nhận 5 ca tử vong trên 16.000 ca bệnh. Các trường hợp tử vong đều ở châu Phi - là khu vực đậu mùa khỉ từng lưu hành trước đây.
Trong khi đó, tỷ lệ tử vong của các bệnh hô hấp như SARS-CoV và MERS-CoV lần lượt là 10% và 34%. Riêng Covid-19, tùy thời điểm và quốc gia, tỷ lệ chết ghi nhận khoảng từ 1% đến 2% trên tổng ca mắc. Còn cúm mùa ghi nhận tỷ lệ tử vong từ 0,1% đến 0,2%. Như vậy, tỷ lệ tử vong của đậu mùa khỉ thấp hơn so với các bệnh truyền nhiễm như Covid-19.
Tiến sĩ Dziuban nhận định đậu mùa khỉ không dễ trở thành đại dịch như Covid-19. Khả năng lây lan của đậu mùa khỉ thấp hơn, do virus này không lây qua không khí. Đường lây truyền chủ yếu của bệnh là qua giọt bắn hoặc dịch tiết cơ thể từ người này sang người khác, hoặc tiếp xúc với bề mặt chứa virus gây bệnh, qua vết thương, vết loét trên da.
Bệnh thường kéo dài từ 2-4 tuần, hầu hết ca mắc đậu mùa khỉ đều nhẹ và nhiều trường hợp tự khỏi.
Tuy nhiên, ông Dziuban nói, bệnh đậu mùa khỉ đang lây nhiễm rất nhanh trên thế giới, từ mức 16.000 ca của tuần trước lên hơn 21.000 ca vào tuần này. Khu vực châu Âu hiện dẫn đầu về số lượng ca bệnh, sau đó đến châu Mỹ.
Ngoài ra, dịch đậu mùa khỉ hiện tại có những đặc điểm riêng chưa từng thấy như đây là lần đầu tiên nhiều quốc gia bên ngoài châu Phi ghi nhận ca bệnh, nhiều bệnh nhân là người nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM).
Nguyên nhân khiến bệnh lây lan rộng đang được tìm hiểu, song các chuyên gia nghĩ tới do người dân không còn được tiêm chủng vaccine đậu mùa nên giảm khả năng phòng bệnh.
Triệu chứng bệnh thường bắt đầu ở vùng sinh dục và quanh hậu môn, đôi khi không lan ra các bộ phận khác của cơ thể. Các ca bệnh ghi nhận tại nhiều phòng khám ngoại trú, có thể nhầm lẫn với các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
CDC Mỹ đã hợp tác chặt chẽ cùng Bộ Y tế từ tháng 6 để chuẩn bị chống đậu mùa khỉ như đưa ra hướng dẫn, khuyến cáo, liên quan tới giám sát, theo dõi, xét nghiệm, chẩn đoán, dự phòng... Tiến sĩ Dziuban cho biết CDC đang phối hợp cùng Tổ chức Y tế Thế giới và các bên, để tìm cách đưa sinh phẩm chẩn đoán xét nghiệm tới Việt Nam sớm nhất.
Trong lúc chờ đợi có công cụ chẩn đoán, ông Dziuban cho rằng Việt Nam có lợi thế là thời gian gần hai tháng chuẩn bị để phát hiện sớm ca bệnh và ngăn dịch lây lan với một số biện pháp như: khuyến cáo mọi người tránh tiếp xúc gần, da kề da với những người bị phát ban giống bệnh đậu mùa khỉ, thực hành tốt vệ sinh tay, giáo dục cộng đồng về bệnh, đào tạo và củng cố thực hành trong các cơ sở y tế.
Đến nay, thế giới ghi nhận 21.148 ca mắc đậu mùa khỉ tại 78 quốc gia. Ngày 23/7, Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố đậu mùa khỉ là sự kiện khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng. Ngày 25/7, Bộ Y tế Việt Nam đã họp khẩn, nêu ra các thách thức khi phòng chống đậu mùa khỉ trong nước và lên kế hoạch ứng phó. TP HCM yêu cầu cửa khẩu tăng cường giám sát người nhập cảnh, phân công Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới là tuyến cuối điều trị ca nặng.
Chi Lê