Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) của Bộ Tài chính Mỹ ngày 2/7 liệt 22 cá nhân liên quan đến chính quyền quân sự Myanmar vào danh sách trừng phạt.
7 người trong số này là thành viên chính quyền quân sự Myanmar, bị cáo buộc "tiếp tục đàn áp phong trào ủng hộ dân chủ trong nước" và "sử dụng vũ lực sát thương với người Myanmar, bao gồm trẻ em và thành viên các nhóm dân tộc thiểu số".
Các quan chức Myanmar bị trừng phạt gồm thành viên Hội đồng Hành chính Quốc gia (SAC) Saw Daniel, Banyar Aung Moe và Aye Nu Sein, Bộ trưởng Thông tin Chit Naing, Bộ trưởng Đầu Tư và Quan hệ Kinh tế Đối ngoại Aung Naing Oo, Bộ trưởng Lao động, Nhập cư và Dân số Myint Kyaing, Bộ trưởng Phúc lợi Xã hội, Cứu trợ và Tái định cư Thet Thet Khnie.
15 cá nhân còn lại chịu lệnh trừng phạt là vợ, chồng hoặc con cái của các quan chức quân sự cao cấp của Myanmar. OFAC cho biết những người này sở hữu mạng lưới đóng góp vào "lợi nhuận bất chính" của các quan chức chính quyền quân sự.
![Binh sĩ Myanmar đứng gác tại một chốt kiểm soát an ninh ở thủ đô Naypyidaw ngày 17/2. Ảnh: AFP.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2021/07/02/556318717660a-Myanmar-7833-1625240358.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=H9-9aySra8utxFzowrWqzA)
Binh sĩ Myanmar đứng gác tại một chốt kiểm soát an ninh ở thủ đô Naypyidaw ngày 17/2. Ảnh: AFP.
OFAC cho biết toàn bộ tài sản tại Mỹ cùng lợi ích của 22 người trong danh sách chịu lệnh trừng phạt sẽ bị phong tỏa. Bất cứ tài sản nào thuộc sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp, từ mức 50% trở lên, của những người trong danh sách cũng thuộc diện phong tỏa.
Tất cả giao dịch của công dân Mỹ liên quan đến 22 người trong danh sách trừng phạt hoặc tài sản của họ đều bị cấm, trừ khi được cấp phép đặc biệt.
Đây là động thái trừng phạt mới nhất của Mỹ nhằm vào Myanmar, sau khi quân đội nước này bắt Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và tiếp quản quyền lực hồi tháng 2. Lệnh trừng phạt gần đây nhất diễn ra hôm 25/3, nhằm vào hai tập đoàn Myanmar Economic Holdings Public Company (MEHL) và Myanmar Economic Corporation Ltd (MEC), toàn bộ tài sản của họ tại Mỹ bị phong tỏa.
Các cuộc biểu tình bùng nổ tại Myanmar từ tháng 2, khiến lực lượng an ninh nước này dùng vũ lực trấn áp và làm nhiều người thiệt mạng. Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP) cho biết tính tới hôm 28/6, ít nhất 883 người Myanmar thiệt mạng trong các vụ đụng độ với lực lượng an ninh. Chính quyền quân sự Myanmar bác bỏ và cho rằng thương vong thực sự thấp hơn.
Nguyễn Tiến (Theo Reuters)