Đại sứ Myanmar tại Liên Hợp Quốc Kyaw Moe Tun hôm 29/6 cho biết 11 nhà ngoại giao quyết không hồi hương thuộc nhóm 20 quan chức ngoại giao Myanmar tại 7 quốc gia đã tham gia phong trào phản đối lực lượng an ninh sử dụng bạo lực với người biểu tình ở quê nhà.
Theo ông Tun, 4 nhà ngoại giao Myanmar ở Washington và ba nhà ngoại giao ở Los Angeles đang xin cấp quy chế được bảo vệ tạm thời khi diện cư trú ngoại giao của họ sắp hết hạn. 4 nhà ngoại giao ở Geneva cũng đang đề nghị chính quyền Thụy Sĩ cho phép ở lại.
"Quân đội đã buộc tội tôi phản quốc, nên tôi chắc chắn không thể quay về Myanmar", đại sứ Tun nói khi được hỏi về tình hình của bản thân, thêm rằng ông đang tìm cách gia hạn thời gian lưu trú tại Mỹ với tình trạng được bảo vệ tạm thời hoặc một số hình thức khác.
Bên cạnh các quan chức ngoại giao, thủ môn đội bóng đá quốc gia Myanmar Pyae Lyan Aung cũng xin tị nạn ở Nhật Bản vì lo sợ trở về nước sau khi thể hiện cử chỉ ủng hộ với phong trào biểu tình chống đảo chính trong trận đấu vòng loại World Cup gần đây ở Tokyo.
Aung sau đó từ chối về nước cùng các đồng đội và nộp đơn xin tị nạn tại Sở Di trú Osaka.
Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP) cho biết tính tới hôm 28/6, ít nhất 883 người Myanmar đã thiệt mạng và khoảng 5.100 người bị bắt trong các cuộc biểu tình phản đối đảo chính. Chính quyền quân sự Myanmar hôm 30/6 thông báo trả tự do cho hơn 2.000 người biểu tình từ các nhà tù khắp đất nước.
Ngọc Ánh (Theo ANI)