"Các động thái mới nhất đánh vào trọng tâm khả năng phát triển và triển khai vũ khí, công nghệ được sử dụng trong cuộc chiến của Vladimir Putin chống lại Ukraine", Bộ Tài chính Mỹ hôm nay cho biết trong một tuyên bố, sau hội nghị thượng đỉnh G7 ở Bavaria, Đức.
Các biện pháp trừng phạt nhắm vào tập đoàn vũ khí nhà nước Nga Rostec và các công ty khác đóng vai trò quan trọng với ngành công nghiệp quốc phòng Nga, cũng như các đơn vị quân đội và sĩ quan liên quan cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Ukraine, theo tuyên bố của Bộ Tài chính Mỹ.
"Chúng tôi một lần nữa tái khẳng định cam kết phối hợp cùng đối tác và đồng minh để áp đặt biện pháp trừng phạt nghiêm khắc mới nhằm đáp trả cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine", Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho hay. "Các cam kết và hành động đa phương quy mô lớn của G7 trong tuần này tiếp tục cắt đứt quyền tiếp cận của Nga với công nghệ quan trọng cho quân đội của họ, làm suy giảm năng lực của Nga và tiếp tục cản trở cuộc chiến chống Ukraine".
Động thái của Bộ Tài chính Mỹ đưa 70 thực thể và 29 cá nhân ở Nga vào danh sách đen, đóng băng bất kỳ tài sản nào do Mỹ nắm giữ và cấm họ kinh doanh hoặc thực hiện giao dịch tài chính với các tổ chức Mỹ.
Tập đoàn hàng không vũ trụ và quốc phòng Nga UAC cũng bị trừng phạt, khi Mỹ đặt mục tiêu "làm suy yếu khả năng tiếp tục tấn công trên không của Nga nhằm vào Ukraine".
Ngoài ra, Mỹ đang tìm cách xử phạt những người Nga tìm cách lách lệnh trừng phạt hiện nay bằng cách "ngấm ngầm" mua lại linh kiện khí tài của Mỹ, Nhật Bản và châu Âu.
Theo các lệnh trừng phạt mà G7 đã thống nhất, Mỹ cũng cấm nhập khẩu vàng từ Nga. Tuy nhiên, động thái này không bao gồm vàng đã được lưu trữ bên ngoài nước Nga.
Trong năm 2021, xuất khẩu vàng, một trong những mặt hàng xuất khẩu chính của Nga, đạt 15,5 tỷ USD. Tầm quan trọng của ngành này tăng lên từ khi Tổng thống Putin phát động chiến dịch quân sự, trong bối cảnh giới tài phiệt Nga đổ xô mua vàng để tránh tác động của lệnh trừng phạt.
Huyền Lê (Theo AFP)