Bộ Tài chính Mỹ ngày 24/7 áp lệnh trừng phạt ba quan chức Mali, gồm Bộ trưởng Quốc phòng Sadio Camara, Tham mưu trưởng không quân Alou Boi Diarra và Phó tham mưu trưởng không quân Adama Bagayoko.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cáo buộc ba quan chức này đã cùng nhau "tạo điều kiện thuận lợi giúp tập đoàn quân sự tư nhân Wagner của Nga tăng hiện diện ở Mali từ tháng 12/2021", thêm rằng thương vong với dân thường đã tăng 278% kể từ khi lính Wagner được triển khai tới nước này.
Bộ trưởng Quốc phòng Mali Camara từng công du Nga một số lần trong năm 2021 để củng cố thỏa thuận giữa Wagner với chính phủ chuyển tiếp Mali về việc triển khai các tay súng của tập đoàn quân sự tư nhân tới nước này.
Mỹ cáo buộc Bộ trưởng Camara và đại tá Diarra đã lên kế hoạch triển khai lính Wagner đến Mali, phối hợp hoạt động với chỉ huy Wagner ở quốc gia châu Phi. Trong khi đó, trung tá Bagayoko làm việc với chính phủ chuyển tiếp ở Burkina Faso, nhằm giúp lính đánh thuê Wagner triển khai đến nước láng giềng. Bagayoko còn được cho là tạo điều kiện để Wagner khai thác vàng ở Mali.
"Những quan chức này đã khiến người dân của họ có nguy cơ bị tổn thương bởi các hành động gây bất ổn của Wagner, mở đường để tập đoàn khai thác tài nguyên phục vụ cho hoạt động ở Ukraine", Thứ trưởng Tài chính Mỹ Brian Nelson nói.
Việc áp trừng phạt cho phép Mỹ đóng băng mọi tài sản của ba quan chức Mali tại Mỹ và cấm người Mỹ cung cấp tài chính, hàng hóa hoặc dịch vụ cho những cá nhân này.
Chính phủ chuyển tiếp của Mali chưa bình luận về động thái. Lãnh đạo lâm thời Burkina Faso Ibrahim Traore hồi tháng 5 nói Wagner không có mặt ở nước này.
Mali là quốc gia Tây Phi giáp với Algeria, Niger, Bờ Biển Ngà, Guinea và Senegal, có diện tích hơn 1,2 triệu km2 và dân số hơn 21 triệu người. Một trong những nguồn tài nguyên thiên nhiên nổi bật nhất của Mali là vàng, quốc gia này là nhà sản xuất vàng lớn thứ ba tại châu Phi.
Mali từng là thuộc địa của Pháp cho đến năm 1960. Năm 2013, Pháp điều hàng nghìn quân đến Mali và các nước lân cận để giúp họ chống phiến quân Hồi giáo. Quan hệ giữa Mali và lực lượng Pháp xấu đi sau cuộc đảo chính năm 2020 dẫn tới thành lập chính quyền quân sự tại quốc gia Tây Phi. Năm ngoái, Pháp rút quân khỏi Mali, trong khi Wagner được cho là tăng cường hiện diện ở nước này.
Wagner được thành lập năm 2014 và tăng đáng kể quy mô lực lượng, phạm vi hoạt động trong vài năm qua. Tình báo phương Tây coi các nhà thầu Wagner là "lính đánh thuê Nga", cho biết họ từng tham chiến tại nhiều điểm nóng tại châu Phi và Trung Đông.
Mỹ đã áp trừng phạt với Wagner và nhiều lần cảnh báo Washington sẽ mạnh tay hơn nữa để đáp trả những hành động gây bất ổn của lực lượng này. Mỹ cũng mô tả Mali là nơi giúp Nga gia tăng ảnh hưởng ở châu Phi.
Nga và Mali đều cho rằng lực lượng Nga ở quốc gia châu Phi không phải lính đánh thuê mà là các chuyên gia đang hỗ trợ binh sĩ bản địa đối phó phiến quân Hồi giáo.
Như Tâm (Theo Reuters)