Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 14/11 gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bali, Indonesia bên lề các hoạt động chính thức trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G20. Đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa hai lãnh đạo kể từ khi ông Biden nhậm chức hồi tháng 1/2021.
Phát biểu mở đầu cuộc gặp, Tổng thống Biden bày tỏ hy vọng hai nước xử lý tốt những khác biệt, ngăn chặn cạnh tranh trở thành xung đột. Ông Tập cũng cho rằng hai nước cần tìm ra hướng đi đúng cho mối quan hệ và sẵn sàng trao đổi thẳng thắn với ông Biden về các vấn đề chiến lược.
Gregory Poling, giám đốc chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS), cho rằng cuộc gặp này ít có khả năng tạo ra đột phá, do những vấn đề gai góc nhất trong quan hệ song phương như Đài Loan hay chiến sự Nga - Ukraine vẫn khó được giải quyết trong ngắn hạn, khi lập trường hai bên vẫn tồn tại khác biệt sâu sắc.
"Quan hệ cạnh tranh Mỹ - Trung đã định hình xong và sẽ không thay đổi, nhưng Tổng thống Biden vẫn muốn cạnh tranh không vượt kiểm soát thành xung đột", Poling, chuyên gia về chính sách đối ngoại Mỹ tại Thái Bình Dương, nói với VnExpress. "Tổng thống Mỹ sẽ tìm cách thiết lập một số rào chắn an toàn cho quan hệ với Trung Quốc".
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan trước đó thừa nhận quan hệ Mỹ - Trung đang trong tình trạng cạnh tranh gay gắt, nhưng cho rằng mối quan hệ này không nên dẫn tới xung đột hay đối đầu. Theo ông, cả Mỹ và Trung Quốc cần quản lý mối quan hệ một cách có trách nhiệm và sẵn sàng hợp tác trong những lĩnh vực còn dư địa hợp tác.
Lãnh đạo Mỹ - Trung ngồi vào bàn đối thoại trực tiếp không lâu sau khi hai nước diễn ra những sự kiện chính trị quan trọng. Đảng Cộng sản Trung Quốc hồi cuối tháng 10 tổ chức Đại hội lần thứ 20, bầu ra ban lãnh đạo mới, củng cố vai trò "hạt nhân lãnh đạo" của Chủ tịch Tập Cận Bình trong 5 năm tiếp theo.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ đến Bali sau khi đảng Dân chủ của ông giành thắng lợi quan trọng, duy trì quyền kiểm soát Thượng viện, dù cuộc đua tại Hạ viện chưa ngã ngũ sau bầu cử giữa kỳ. Đảng Cộng hòa nhiều khả năng sẽ chiếm đa số mong manh tại Hạ viện, phần nào sẽ cản trở chương trình nghị sự của ông Biden.
Tuy nhiên, chuyên gia quan hệ quốc tế Nguyễn Thành Trung, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam tại TP HCM, đánh giá những biến động trên chính trường Mỹ sẽ không ảnh hưởng đến sự tự tin của ông Biden khi bước vào hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc.
Ông cho rằng kết quả bầu cử giữa kỳ không tác động đáng kể đến cam kết của chính quyền Biden với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Tổng thống Biden hiểu rằng nếu xem khu vực là nơi cạnh tranh với Trung Quốc, ông sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ từ đảng Cộng hòa trong chính sách đối ngoại của mình, dù cục diện tại quốc hội Mỹ thay đổi thế nào.
"Cuộc gặp trực tiếp lần này không quá khác biệt so với 5 lần điện đàm trước đó giữa hai lãnh đạo", ông nói, nhận định hai bên sẽ khó đưa ra tuyên bố chung về một vấn đề quốc tế cụ thể. "Washington và Bắc Kinh đều mong muốn duy trì tiếp xúc, giữ kênh liên lạc cấp cao và trao đổi quan điểm về những vấn đề liên quan cả hai nước như chính sách với Đài Loan, xung đột ở Ukraine hay căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên".
Nhà Trắng trước đó cho biết trong hội đàm, Tổng thống Mỹ mong muốn đối thoại thẳng thắn và rõ ràng với Chủ tịch Trung Quốc về các vấn đề trong quan hệ hai nước, cũng như những thách thức quốc tế. Tuy nhiên, cố vấn Sullivan lưu ý ông Biden không có ý định "thiết lập lại" quan hệ với Trung Quốc, bất chấp những căng thẳng gần đây.
Lãnh đạo Mỹ - Trung đã điện đàm với nhau 5 lần, nhưng quan hệ hai nước vẫn lao dốc xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Căng thẳng hai nước gia tăng sau chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi hồi tháng 8. Trong cuộc điện đàm hồi tháng 3, ông Biden cũng cảnh báo ông Tập không ủng hộ Nga trong chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Theo chuyên gia Nguyễn Thành Trung, Mỹ vẫn mong muốn tìm kiếm hợp tác với Trung Quốc trong một số vấn đề toàn cầu, trong đó có chống biến đổi khí hậu, hay thuyết phục Bắc Kinh tác động đến Moskva để nhanh chóng kết thúc xung đột tại Ukraine.
Tuy nhiên, Mỹ cũng nhiều lần thể hiện lập trường sẵn sàng kiềm chế Trung Quốc trong một số vấn đề ảnh hưởng đến trật tự quốc tế dựa trên pháp luật hay lợi ích của Washington.
Giới lãnh đạo Trung Quốc thường phát tín hiệu mong muốn hàn gắn quan hệ với Mỹ, đặc biệt trong vấn đề thương mại. Nhưng quan hệ song phương vẫn trong trạng thái cạnh tranh căng thẳng khi Trung Quốc cũng kiên quyết bảo vệ các "lợi ích cốt lõi" của mình, trong đó có vấn đề Đài Loan.
Trong diễn văn khai mạc Đại hội 20, Chủ tịch Trung Quốc nhấn mạnh nước này không từ bỏ phương án sử dụng vũ lực trong thống nhất Đài Loan và sẽ "giữ vững lập trường chiến lược" để giải quyết vấn đề này. Toàn thể hội trường đã vỗ tay khi ông Tập tái khẳng định lập trường trong vấn đề Đài Loan.
Mỹ vẫn duy trì cam kết hỗ trợ Đài Loan tự vệ, nhưng ông Biden không trả lời câu hỏi liệu Washington có cam kết triển khai quân đội để bảo vệ hòn đảo trong trường hợp nổ ra xung đột hay không. "Học thuyết về Đài Loan không thay đổi", ông nói, tái khẳng định chính sách "mơ hồ chiến lược" của Mỹ với Đài Loan.
"Quan hệ hai nước sau cuộc gặp trực tiếp này khó xuất hiện thay đổi đáng kể. Đài Loan vẫn sẽ là vấn đề nóng nhất trên bàn đối thoại giữa hai nguyên thủ, tương tự những lần trao đổi trước đây", ông Trung dự báo.
Thanh Danh - Thanh Tâm