Danh mục cấm mới được Cục Công nghiệp và An ninh (thuộc Bộ Thương mại Mỹ) đưa ra có hai công nghệ chính trong chế tạo chip: phần mềm in thạch bản được sử dụng trong kỹ thuật in thạch bản cực tím (EUV) và công nghệ sản xuất tấm wafer (vật liệu nền để sản xuất vi mạch tích hợp) 5nm . Các lĩnh vực khác bao gồm công cụ điều khiển máy tính số, công cụ pháp y kỹ thuật số, phần mềm thu thập và phân tích thông tin liên lạc siêu dữ liệu và công nghệ dùng trong máy bay hoạt động ở quỹ đạo thấp.
Động thái của Mỹ được cho là nhằm mở rộng kiểm soát đối với các sản phẩm và công nghệ lưỡng dụng theo Thỏa thuận Wassenaar - một cơ chế kiểm soát xuất khẩu đa phương liên quan đến 42 quốc gia, bao gồm Mỹ, Anh, Canada và Nga.
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hiện đang trong quá trình kiểm phiếu. Ưu thế hiện thuộc về ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden. Theo giới chuyên gia, kể cả khi Biden đắc cử Tổng thống sắp tới, ông cũng khó có thể đảo ngược các lệnh cấm mới ban hành này.
"Khó có khả năng Biden sẽ dỡ lệnh cấm ngay lập tức hoặc đơn phương thực hiện các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mà Trump mới ban hành, bởi đảng Dân chủ đã ủng hộ rộng rãi vấn đề này cách đây hai năm", Jonathan Wood, nhà phân tích kỳ cựu của công ty tư vấn rủi ro Control Risks, nhận định.
Cũng theo Risks, một số cố vấn của Biden và Trump hiện đưa ra quan điểm "diều hâu", trong đó đặc biệt cứng rắn với việc sử dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu ở lĩnh vực bán dẫn. Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng Biden có thể phối hợp với các đồng minh và đối tác nhằm hạn chế những tác động của lệnh trừng phạt đối với các nước thứ ba nếu ông lên làm Tổng thống Mỹ.
Bà Melissa Duffy, chuyên gia về kiểm soát xuất khẩu và các công nghệ mới nổi của công ty luật Dechert, cho rằng bản chất của Thỏa thuận Wassenaar là tự nguyện và "không có hiệu lực ràng buộc của một hiệp ước". Do đó, các nước thành viên có thể không tuân theo lệnh cấm mới.
Động thái mới của Mỹ không nhắm mục tiêu cụ thể nào. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng lệnh cấm này đang hướng về Trung Quốc, qua đó có thể cản trở nỗ lực của nước này trong việc bắt kịp thế giới ở lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn.
"Trung Quốc đã bị Mỹ đưa vào danh sách đen từ lâu. Lệnh cấm mới sẽ cản trở Trung Quốc gia nhập hệ thống sản xuất bán dẫn toàn cầu", Charlie Dai, nhà phân tích chính của công ty nghiên cứu thị trường Forrester, nhận xét. "Hành động của Mỹ sẽ càng khiến tham vọng phát triển công nghệ và sản xuất dân dụng trong nhiều lĩnh vực như máy tính, hàng không vũ trụ, nghiên cứu và sản xuất chip của Trung Quốc càng thêm khó khăn".
Trong danh sách các hạn chế mới, hạng mục "phần mềm in thạch bản được sử dụng trong EUV" được đánh giá là quan trọng nhất. Đây là kỹ thuật rất quan trọng để sản xuất chip tiến trình 7nm. Trong khi đó, theo Isaiah Research, các phần mềm in thạch bản do Trung Quốc tự phát triển hiện chỉ có thể hỗ trợ các tiến trình 80 - 90 nm hoặc cũ hơn.
SMIC là hãng sản xuất chip hiện đại nhất tại Trung Quốc, nhưng vẫn chỉ cho ra các thành phẩm ở tiến trình 14nm. Ngay cả khi sản xuất được chip này, công ty vẫn phải sử dụng một số công nghệ của Mỹ.
Trong khi đó, các nhà sản xuất chip hiện nay như Samsung hay TSMC đã có thể tạo ra sản phẩm ở tiến trình 7nm, thậm chí TSMC đã đạt cấp độ 5nm. Khi không được Mỹ chấp thuận, các công ty Trung Quốc, chẳng hạn Huawei, sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
Các công nghệ cốt lõi về in thạch bản hiện được kiểm soát bởi ASML của Hà Lan cùng Applied Materials và Lam Research của Mỹ. Năm 2018, SMIC từng đặt hàng một máy EUV từ ASML nhưng chiếc máy này không thể tới tay công ty Trung Quốc vì chính phủ Hà Lan từ chối cấp phép xuất khẩu.
Theo bà Duffy, bất kỳ nước nào muốn nhận được giấy phép xuất khẩu theo Thỏa thuận Wassenaar sẽ phải phụ thuộc rất lớn vào hai yếu tố: loại công nghệ có liên quan và lý do xuất khẩu ở nơi đầu tiên và quốc gia đến. "Khó có khả năng Mỹ chấp thuận bất kỳ công nghệ nào có liên quan đến an ninh quốc gia hoặc phục vụ mục đích quân sự nếu nó được xuất khẩu cho Trung Quốc", bà Duffy nói.
Bảo Lâm (theo SCMP)