Số liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy lượng vi mạch tích hợp được nhập khẩu vào Trung Quốc trong tháng 9 đạt mức 53,7 tỷ đơn vị, nhiều hơn 12% so với tháng trước đó và là mức nhập khẩu cao nhất từ trước đến nay. Tổng trị giá của số hàng hóa này vào khoảng 32,8 tỷ USD.
Nếu tính trong gia đoạn từ tháng 1 đến tháng 9, tổng lượng chip Trung Quốc nhập khẩu là 387,2 tỷ đơn vị, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái.
Vi mạch tích hợp tuy nhỏ, nhưng lại là "xương sống" của cả ngành công nghệ. Nó được tích hợp trong các sản phẩm từ smartphone tới ôtô, tàu vũ trụ. Vì vậy, các công ty công nghệ không muốn bị gián đoạn sản xuất vì thiếu linh kiện này.
Sheng Linghai, nhà phân tích đang làm việc tại Gartner cho rằng, lệnh cấm làm ăn với Huawei của Mỹ là nguyên nhân của việc nhập khẩu ồ ạt chip vào Trung Quốc. Các công ty chuyên về chip, như Qualcomm hay TSMC, hiện không thể kinh doanh với Huawei, trừ khi xin giấy phép đặc biệt từ Bộ Thương mại Mỹ. Điều này khiến nhiều công ty Trung Quốc lo ngại và phải tích trữ chip nhằm chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất có thể xảy ra.
Tuy nhiên, theo đại diện Bộ Thương mại Trung Quốc, một nguyên nhân nữa là các công ty công nghệ cũng lo bị gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch. Ngoài ra, thị trường đang phục hồi, lối sống của người dùng thay đổi, khiến nhu cầu về máy tính, thiết bị điện tử tăng cao, thúc đẩy lượng tiêu thụ chip lớn.
Theo các nhà phân tích, Trung Quốc đang nỗ lực tự chủ trong lĩnh vực bán dẫn, nhưng thực tế, họ đang thua Mỹ trong các công nghệ bán dẫn tiên tiến, ở cả mảng thiết kế và sản xuất. Việc sản xuất nội địa của Trung Quốc phải vượt qua nhiều trở ngại lớn. Đã có hàng loạt dự án thất bại, tiêu tốn hàng tỷ USD đầu tư.
Quý Văn (theo SMCP, Nikkei)