"Ấn Độ phụ thuộc rất nhiều vào Nga trong khoảng 40 năm qua, trước hết là về quân sự, sau đó là năng lượng", một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 20/9 nói với các phóng viên. "Chúng tôi đã trao đổi sâu với Ấn Độ về việc chúng tôi muốn giúp họ có các lựa chọn để đa dạng hóa nguồn cung".
Quan chức này cho rằng Nga không còn là nhà cung cấp vũ khí đáng tin cậy và Mỹ muốn giới chức Ấn Độ hiểu rằng việc từ bỏ phụ thuộc vào vũ khí, năng lượng Nga "mang lại lợi ích thực sự" cho họ.
Quan chức Mỹ cũng cho biết Washington muốn áp giá trần đối với dầu mỏ Nga và đề nghị các bên tham gia ý tưởng này, hoặc đàm phán với Moskva để trả mức giá dầu không mang lại quá nhiều lợi nhuận cho Nga.
Nga và Ấn Độ chưa bình luận về thông tin của quan chức Mỹ.
Cuộc trao đổi giữa các quan chức Mỹ và Ấn Độ diễn ra gần một tuần sau khi Thủ tướng Narendra Modi ngày 16/9 nói với Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng "giờ không phải thời điểm cho chiến tranh".
Tổng thống Putin trả lời rằng Nga hiểu lập trường và quan ngại của Ấn Độ về tình hình Ukraine, cũng như khẳng định sẽ làm mọi việc để chấm dứt chiến sự.
Nga và Ấn Độ coi quan hệ giữa hai nước là "quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt và đặc quyền", được xây dựng từ thời Liên Xô và có 5 thành phần chính là chính trị, quốc phòng, năng lượng hạt nhân dân sự, hợp tác chống khủng bố và không gian vũ trụ.
Ấn Độ là một trong các khách hàng lớn mua vũ khí của Nga. Ấn Độ cũng tiếp tục mua dầu giá rẻ từ Nga, trong khi phương Tây áp nhiều lệnh hạn chế đối với mặt hàng này sau khi chiến sự tại Ukraine bùng phát.
Nguyễn Tiến (Theo CNN)