Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 4/2 thông báo đã thử tên lửa thuộc hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm xa (IRMB), song không công bố thời gian và địa điểm diễn ra vụ thử. Giới chức Trung Quốc khẳng định vụ thử tên lửa đánh chặn mang tính phòng thủ và không gửi thông điệp cho bất cứ quốc gia nào.
Một số video xuất hiện trên mạng xã hội Trung Quốc cho thấy tên lửa đánh chặn dường như được phóng tại miền bắc Trung Quốc, có thể từ Trung tâm Phóng vệ tinh Thái Nguyên ở tỉnh Sơn Tây. Các video này gần giống những hình ảnh về vụ thử tên lửa đánh chặn của Trung Quốc vào năm 2018, vốn được coi là màn phô diễn năng lực phòng thủ tên lửa đạn đạo của nước này.
Vụ thử tên lửa đánh chặn của Trung Quốc có thể là lý do khiến trinh sát cơ RC-135S của Mỹ hiện diện tại Hoàng Hải hồi đầu tuần. Mỹ sở hữu ba trinh sát cơ RC-135S chuyên làm nhiệm vụ thu thập thông tin từ xa và các dữ liệu tình báo khác liên quan đến những vụ phóng vệ tinh hoặc tên lửa cỡ lớn khác.
Trung Quốc chưa tiết lộ bất cứ chi tiết nào về việc chế tạo tên lửa đánh chặn. Trong báo cáo về Trung Quốc được công bố gần đây, Lầu Năm Góc nhận định nước này đang "phát triển khí tài đánh chặn giữa hành trình sử dụng động năng để tiêu diệt mục tiêu".
Phương tiện đánh chặn động năng được thiết kế để tiêu diệt mục tiêu bằng cách đâm va, thay vì sử dụng đầu đạn nổ truyền thống. Hệ thống Phòng thủ Giữa hành trình Trên mặt đất (GMD) của Mỹ sử dụng phương tiện đánh chặn động năng. Tuy nhiên, khó khăn trong phát triển phương tiện đánh chặn động năng trở thành vấn đề lớn trong chương trình GDM những năm qua.
Biên tập viên Joseph Trevithick của Drive nhận định tên lửa đánh chặn giai đoạn giữa mà Trung Quốc mới thử nghiệm là phần mở rộng của chương trình phát triển tên lửa diệt vệ tinh Động Năng 3 (DN-3). Một số báo cáo cho biết tên lửa DN-3 được sử dụng trong cuộc thử nghiệm năm 2018 hạ gục mục tiêu là tên lửa đạn đạo tầm trung (MRBM) DF-21.
Ranh giới giữa tên lửa đánh chặn giai đoạn giữa và vũ khí diệt vệ tinh rất mong manh. Mỹ từng nhiều lần cáo buộc Trung Quốc sử dụng các vụ phóng tên lửa đánh chặn làm bình phong cho việc thử nghiệm vũ khí diệt vệ tinh.
Trung Quốc có thể phát triển tên lửa đánh chặn và cải thiện khả năng diệt vệ tinh nhằm đối phó với tên lửa đạn đạo của Ấn Độ, cùng các chương trình phát triển tên lửa đạn đạo hoặc vũ khí siêu vượt âm của Nhật Bản và Hàn Quốc.
Mỹ đang hiện đại hóa hệ thống tên lửa đạn đạo chiến lược và nghiên cứu chế tạo các mẫu IRBM và MRBM sau khi rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tâm trung (INF), với mục tiêu triển khai chúng ở khu vực Thái Bình Dương.
Nguyễn Tiến (Theo Drive)