"Nhiều khả năng máy bay không người lái (UAV) MQ-9 đã chìm xuống độ sâu khá lớn, khiến mọi chiến dịch trục vớt sẽ gặp nhiều khó khăn về mặt kỹ thuật", Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley nói hôm 15/3.
Tướng Milley thừa nhận Mỹ sẽ mất ít nhất vài ngày để xác định quy mô bãi mảnh vỡ, nhất là khi máy bay chìm ở khu vực sâu 1.200-1.500 m ở Biển Đen. Ông cũng nhấn mạnh rằng Mỹ đã áp dụng những biện pháp để ngăn rò rỉ dữ liệu tình báo nhạy cảm nếu Nga trục vớt được UAV. "Chúng tôi có thể tự tin rằng những thứ có giá trị trên máy bay đã trở nên vô dụng", tướng Mỹ cho hay.
Hai quan chức Mỹ giấu tên hôm 15/3 tiết lộ các lực lượng Nga đã tiếp cận được vị trí máy bay rơi.
Thư ký Hội đồng An ninh Điện Kremlin Nikolai Patrushev trước đó nhận định quá trình trục vớt mảnh vỡ UAV Mỹ sẽ gặp nhiều thách thức. "Tôi không chắc liệu chúng tôi có thu thập thành công các mảnh vỡ hay không, nhưng công việc đó phải được tiến hành. Chắc chắn chúng tôi sẽ làm và tất nhiên tôi hy vọng làm được", ông nói.
Ngoài yếu tố kỹ thuật, Washington cũng gặp nhiều vấn đề nếu muốn thu hồi mảnh vỡ máy bay. Thổ Nhĩ Kỳ đã phong tỏa eo biển Bosphorus và Dardanelles, cửa ngõ nối Địa Trung Hải với Biển Đen, sau khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát. Điều này khiến hải quân Mỹ không thể triển khai tàu đến Biển Đen để tìm kiếm và trục vớt máy bay.
Các chuyên gia cho rằng Mỹ có thể thuê tàu hàng dân sự trong khu vực để triển khai lực lượng trục vớt, nhưng biện pháp này cũng có thể gặp sự cản trở từ hải quân Nga đang hiện diện trong khu vực.
Người phát ngôn Nhà Trắng John Kirby trước đó nói rằng có thể không bao giờ thu hồi được mảnh vỡ từ chiếc UAV bị rơi, trong khi Lầu Năm Góc chưa xác nhận họ có ý định trục vớt máy bay hay không.
Bộ Tư lệnh châu Âu của Mỹ cho biết hai tiêm kích Su-27 Nga tiếp cận, bay cắt mặt và xả dầu vào UAV MQ-9 Reaper trên vùng biển quốc tế hôm 14/3, trước khi một chiếc Su-27 va vào cánh quạt UAV và buộc không quân Mỹ điều khiển UAV lao xuống biển.
Lầu Năm Góc nói rằng chiếc MQ-9 khi đó đang thực hiện nhiệm vụ tình báo, giám sát và trinh sát (ISR) thông thường. Mỹ sử dụng MQ-9 Reaper cho cả hoạt động giám sát và tấn công mục tiêu mặt đất, loại khí tài này liên tục hoạt động trên Biển Đen để theo dõi hải quân Nga.
Giới chức Nga phủ nhận cáo buộc, cho rằng phi cơ Mỹ cơ động ngoặt gấp và tự rơi sau khi mất lái. Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov khẳng định chiếc MQ-9 đang thu thập dữ liệu mục tiêu để chuyển cho Ukraine trước khi rơi.
Đây là vụ va chạm trực tiếp đầu tiên giữa lực lượng Nga và Mỹ kể từ khi xung đột bùng phát ở Ukraine hồi tháng 2 năm ngoái. Sự việc không gây ra những cuộc đối đầu trên thực địa tiếp theo, nhưng khiến không quân Mỹ tổn thất ít nhất 30 triệu USD.
Vũ Anh (Theo Reuters)