Bộ Quốc phòng Mỹ hôm qua ra thông cáo xác nhận quả tên lửa hành trình thông thường được khai hỏa từ bệ phóng trên đất liền từ đảo San Nicolas thuộc bang California và đánh trúng mục tiêu cách đó hơn 500 km.
Một quan chức Lầu Năm Góc giấu tên cho biết tên lửa sử dụng bệ phóng thẳng đứng Mark 41, nhưng không giống loại bệ trang bị cho lá chắn Aegis Ashore được Mỹ triển khai ở Romania.
"Dữ liệu và các kinh nghiệm thu được từ cuộc thử nghiệm này sẽ giúp Bộ Quốc phòng Mỹ phát triển tính năng cho các vũ khí tầm xa trong tương lai", Lầu Năm Góc cho hay. Đây là lần đầu Washington thử tên lửa hành trình phóng từ mặt đất kể từ khi Mỹ và Nga rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) hôm 2/8.
Phản ứng trước vụ thử này, hãng thông tấn Nga TASS dẫn lời nghị sĩ Frants Klintsevich, thành viên Ủy ban Quốc phòng - An ninh Thượng viện Nga, cho rằng vụ thử nghiệm loại tên lửa này diễn ra chỉ hai tuần sau thời điểm hiệp ước INF bị chấm dứt. Hiệp ước này cấm Mỹ và Nga phát triển mọi loại tên lửa hành trình phóng từ mặt đất có tầm bắn 500-5.500 km.
"Đó là sự nhạo báng trắng trợn với cộng đồng quốc tế. Chúng tôi sẽ làm hết mức trong thời gian ngắn nhất để bảo đảm Mỹ không chiếm ưu thế với loại vũ khí này", Klintsevich cho biết, nói thêm rằng Nga không có ý định tham gia chạy đua vũ trang với Mỹ.
Điện Kremlin và Bộ Quốc phòng Nga chưa bình luận về vụ thử vũ khí của Mỹ.
INF được Mỹ và Liên Xô ký năm 1987, nhưng chính quyền Tổng thống Donald Trump quyết định rút khỏi hiệp ước sau khi cáo buộc Nga phát triển tên lửa 9M729 có tầm bay gần 5.000 km. Trong khi đó, Moskva cho rằng Washington không tuân thủ INF khi đặt các tổ hợp Aegis Ashore có thể phóng tên lửa hành trình Tomahawk với tầm bắn 2.500 km tại châu Âu.
Hồi tháng 3, quân đội Mỹ tuyên bố sẽ thử tên lửa hành trình có tầm bắn khoảng 1.000 km vào tháng 8, sau đó là tên lửa đạn đạo có tầm bắn 3.000-4.000 km vào tháng 11. Sau khi phóng thử, hai loại tên lửa sẽ được Mỹ biên chế trong vòng 2-5 năm tới.
Vũ Anh (Theo Reuters)