Không quân Mỹ thông báo đã thực hiện đợt thử nghiệm kích nổ đầu tiên với nguyên mẫu đầu đạn nổ văng mảnh dự kiến trang bị cho tên lửa siêu vượt âm AGM-183A. Sự kiện do Phi đoàn Thử nghiệm số 780 tổ chức, nhưng không rõ thời gian và địa điểm tiến hành.
Trong thử nghiệm, đầu đạn đặt trên mặt đất và nằm ở trung tâm vòng tròn được tạo nên bởi hàng loạt rào chắn cứng. Điều này giúp ghi nhận những dữ liệu về đầu đạn như kích cỡ quả cầu lửa và sức chấn động, cũng như tầm tác động và phân bố mảnh văng tạo ra trong vụ nổ.
"Hình dạng và bản chất độc đáo của đầu đạn đòi hỏi nhóm thử nghiệm ứng dụng nhiều yếu tố mới, lần đầu được triển khai nhằm bảo đảm ghi nhận chính xác mọi hiệu ứng", David Spiker, phát ngôn viên Phi đoàn số 780, cho hay. Kết cấu và tính năng chiến đấu của đầu đạn không được công bố.
Cuộc thử nghiệm diễn ra trong bối cảnh không quân Mỹ dự kiến tổ chức đợt phóng thử đầu tiên của tên lửa AGM-183A vào cuối tháng này, sau khi vụ phóng hồi tháng 4 bị hủy vì sự cố với quả đạn.
AGM-183A, còn có tên gọi khác là "Vũ khí Phản ứng nhanh phóng từ máy bay" (ARRW), là một trong những chương trình tên lửa siêu vượt âm đang được phát triển cho không quân Mỹ, nhằm thu hẹp khoảng cách trong lĩnh vực này với các đối thủ như Nga và Trung Quốc.
Quả đạn AGM-183A được thả tự do từ máy bay như bom thông thường, sau đó kích hoạt động cơ tên lửa để giúp đầu đạn đạt tốc độ và độ cao phù hợp. Vỏ bảo vệ sau đó sẽ bung ra và đầu đạn lướt tới mục tiêu với tốc độ trên 6.000 km/h. Mỗi oanh tạc cơ B-52 có thể mang tối đa 4 quả AGM-183A.
Không quân Mỹ hồi tháng 4 thừa nhận đã gặp bước lùi trong phô diễn tiến bộ với chương trình AGM-183A khi thử nghiệm có động cơ đẩy đầu tiên gặp trục trặc. Quả đạn thử nghiệm không thể hoàn tất quy trình phóng và vẫn treo dưới cánh oanh tạc cơ B-52H cho đến khi về căn cứ.
Không quân Mỹ từng tiến hành 7 chuyến bay thử với mô hình tên lửa AGM-183A để thu thập dữ liệu định vị và tham số bay, kiểm tra khả năng tích hợp tên lửa lên nền tảng phóng B-52 và xây dựng quy trình vận hành cho đợt bắn thử đầu tiên.
Vũ Anh (Theo Drive)