Sau cuộc họp với các lãnh đạo Lầu Năm Góc cuối tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho phép tăng cường hiện diện quân sự ở Syria để canh giữ các mỏ dầu quan trọng ở miền đông nước này.
Theo kế hoạch mới, hàng trăm binh sĩ Mỹ sẽ được triển khai trên khu vực rộng lớn tại Syria do dân quân người Kurd kiểm soát, trải dài 150 km từ Deir el-Zor tới al-Hasakah. Diện tích cụ thể khu vực triển khai binh sĩ đang được xác định, nhiều chi tiết của quyết định vẫn đang được thảo luận, các quan chức Mỹ cho biết.
Trump trước đó thừa nhận ông "thích dầu mỏ Syria" và quyết định triển khai quân canh gác các mỏ dầu ở đây vì nó liên quan đến lợi ích của Mỹ. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng quyết định này của Trump sẽ đối mặt với những câu hỏi hóc búa về mặt pháp lý trong trường hợp quân đội Nga hoặc Syria áp sát những mỏ dầu này.
Quyết định triển khai quân của Trump phải được các chỉ huy quân đội Mỹ cụ thể hóa bằng các mệnh lệnh, dựa trên những khung pháp lý đã có. Cơ sở pháp lý cho phép Mỹ triển khai quân tại Syria để chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng dựa trên Ủy quyền Sử dụng Lực lượng Quân sự (AUMF) năm 2001 và 2002, trong đó cho phép Mỹ sử dụng tất cả các lực lượng cần thiết để tiêu diệt những kẻ liên quan đến vụ khủng bố 11/9 và ngăn những hành vi khủng bố tiềm tàng nhằm vào nước này.
Các chuyên gia pháp lý nói Mỹ có thể sử dụng AUMF để ngăn các mỏ dầu tại Syria rơi vào tay phiến quân IS. Tuy nhiên, trong trường hợp quân đội Syria dưới sự hậu thuẫn của Nga muốn giành lại các mỏ dầu nằm trên lãnh thổ hợp pháp của họ, các chỉ huy Mỹ khó có thể ra lệnh không kích hoặc khai hỏa đáp trả dựa trên căn cứ này.
Lầu Năm Góc sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc soạn thảo kế hoạch tác chiến, trong đó quy định trường hợp nào lính Mỹ được phép bắn vào quân đội Syria, vốn đang thực thi quyền chủ quyền của họ.
"Mỹ không có tình trạng chiến tranh với Syria hay Thổ Nhĩ Kỳ, do đó việc vận dụng AUMF để chống lại các nước này là rất khiên cưỡng", Stephen Vladeck, giáo sư luật an ninh quốc phòng tại Đại học Texas ở Austin, nói.
Ông cho biết hiến pháp Mỹ trao cho Tổng thống quyền tuyên chiến, nhưng thường là để tự vệ hoặc phòng vệ tập thể. "Lập luận rằng việc bảo vệ các mỏ dầu để đảm bảo an ninh quốc gia là quá xa vời", Vladeck nhận định.
Một số nghị sĩ Mỹ, trong đó có thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Tim Kaine, phản đối chính quyền Trump sử dụng AUMF làm cơ sở cho cuộc chiến chống lại một đất nước có chủ quyền. "Hành động đó cần phải được quốc hội phê chuẩn", Kaine nói ngày 5/11.
Quyết định của Trump được coi là một chiến thắng với các chỉ huy quân đội Mỹ, những người từng hối thúc Tổng thống duy trì lực lượng quân sự tại Syria nhằm ngăn IS trỗi dậy và kiềm chế Iran.
Tuy nhiên, thượng nghị sĩ Kaine lại cho rằng đây là một sai lầm. "Tính mạng của các binh sĩ gặp rủi ro vì những mỏ dầu ở miền đông Syria, đây là hành động liều lĩnh và không được ủy quyền hợp pháp. Tổng thống Trump đã phản bội đồng minh người Kurd trong cuộc chiến chống IS và chỉ tập trung vào việc điều quân đi bảo vệ các mỏ dầu thay vì ngăn IS trỗi dậy", Kaine nói.
Nhiệm vụ quân sự được Trump phê chuẩn không bao gồm bất cứ sự ủy quyền nào cho phép Mỹ lấy dầu của Syria. Trump nhiều lần nói Mỹ đang kiểm soát các mỏ dầu ở Syria, song Nhà Trắng và Lầu Năm Góc tới nay chưa giải thích ý nghĩa của tuyên bố này. Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper cho biết ông diễn giải ý của Trump là "quân đội Mỹ cần ngăn chặn IS tiếp cận các mỏ dầu".
Trump, Esper và các quan chức quốc phòng Mỹ nhiều lần nói bảo vệ các mỏ dầu ở đông Syria là điều quan trọng để IS không chiếm lại và tiếp tục kiếm tiền từ chúng. Dân quân người Kurd với sự hậu thuẫn của Mỹ đang vận hành các cơ sở dầu khí và sử dụng nguồn thu từ bán dầu để củng cố sức mạnh lẫn duy trì các trại tù binh IS.
Lực lượng người Kurd được cho là có thỏa thuận bí mật với chính phủ Syria, theo đó Damascus chấp nhận mua dầu của họ thông qua bên trung gian. Chính quyền người Kurd bán dầu thô cho các nhà máy lọc dầu tư nhân để sản xuất nhiên liệu và dầu diesel, sau đó các sản phẩm này được bán lại cho Syria.
Một số chuyên gia nhận định các mỏ dầu ở Syria hiện có sản lượng không đáng kể và giá trị kinh tế của chúng đối với Mỹ không cao, song chúng có thể trở thành quân bài mặc cả giá trị của Washington với Damascus và Moskva sau khi chiến tranh kết thúc. Sản lượng dầu ở miền đông Syria hiện là khoảng 15.000 - 30.000 thùng/ngày, ước tính mang lại hơn 30 triệu USD mỗi tháng và là nguồn tài chính quan trọng với dân quân người Kurd.
Mỹ dọa tấn công mọi lực lượng tìm cách tiếp cận các mỏ dầu, kể cả quân đội Nga và Syria, dưới danh nghĩa tự vệ, song binh sĩ nước này cần hướng dẫn rõ ràng về cách đối phó trong trường hợp nổ ra xung đột. Với việc thiếu căn cứ pháp lý như hiện nay, lính Mỹ canh gác những mỏ dầu này nhiều khả năng chưa nhận được những hướng dẫn như vậy.
Khu vực kiểm soát của Mỹ tại miền đông Syria đang mở rộng và lực lượng Mỹ sẽ phải đóng quân dàn trải. Chưa rõ quân đội Mỹ sẽ sử dụng lực lượng quy mô thế nào để đáp trả trong trường hợp đối phương tìm cách tiếp cận các cơ sở dầu khí ở miền đông Syria khi binh sĩ họ không có ở đó.
Nguyễn Tiến (Theo AP)