"Chúng tôi tiếp tục hỗ trợ an ninh cho Ukraine và đang làm việc với các nhà thầu quốc phòng để đẩy nhanh việc sản xuất các vũ khí, khí tài quan trọng", Wiliam LaPante, quan chức Lầu Năm Góc phụ trách mua sắm vũ khí, phát biểu khi thăm nhà máy của Lockheed Martin ở Camden, nơi sản xuất pháo HIMARS và Hệ thống hỏa tiễn đa nòng dẫn đường (GMLRS).
LaPante cho biết thêm quân đội Mỹ sẽ cấp thêm kinh phí để Lockheed Martin mua thiết bị, mở rộng dây chuyền sản xuất, phát triển nhân công cho dây chuyền sản xuất pháo HIMARS.
"Mỹ sẽ tiếp tục tham vấn chặt chẽ với Ukraine về nhu cầu vũ khí. Mục tiêu của chúng tôi rất đơn giản: Mỹ muốn thấy một Ukraine dân chủ, độc lập và thịnh vượng, có phương tiện răn đe và tự vệ trước những cuộc tấn công tiếp theo", ông nói thêm.
Tuyên bố được ông LePante đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 24/8 thông báo cung cấp gói viện trợ an ninh trị giá ba tỷ USD, lớn nhất từ trước đến nay, cho Kiev, trùng thời điểm Ukraine kỷ niệm ngày Ngày Độc Lập và mốc 6 tháng chiến sự.
HIMARS là pháo phản lực phóng loạt tự hành đặt trên khung gầm bánh lốp, được phát triển từ tổ hợp M270. Mỹ đã chuyển giao cho Ukraine 16 tổ hợp HIMARS cùng lượng đạn không được công bố chi tiết.
Hệ thống HIMARS Mỹ chuyển giao cho Ukraine được biên chế kíp vận hành ba người, có thể mang 6 quả đạn M31 cỡ nòng 227 mm với tầm bắn 80-90 km. Loại vũ khí này có thể giúp quân đội Ukraine tấn công sâu hơn vào các mục tiêu trọng yếu trong phòng tuyến Nga.
Mặc dù Moskva nhiều lần tuyên bố đã phá hủy một số tổ hợp HIMARS ở Ukraine, giới chức Mỹ cho rằng Nga chưa làm được điều này. Trong khi đó, quân đội Ukraine tiếp tục dùng HIMARS tập kích các mục tiêu quan trọng trong khu vực Nga kiểm soát, trong đó có những cây cầu trọng yếu ở tỉnh Kherson.
Thông cáo từ Bộ Quốc phòng Mỹ hôm 26/8 cho biết Ukraine đang "sử dụng hiệu quả các bệ phóng di động hạng nhẹ và các loại đạn tấn công chính xác được sản xuất tại cơ sở của Lockheed Martin". Tuy nhiên, giới chuyên gia lo ngại Ukraine có thể hết đạn HIMARS trong 3-4 tháng tới, thậm chí ngắn hơn, với tốc độ khai hỏa như hiện nay và nguồn cung giảm dần từ Mỹ.
Đức Trung (Theo Newsweek)