Đây được coi là sự thay đổi chiến lược và mang tính biểu tượng của quân đội Mỹ sau hơn một thập niên tập trung chiến đấu ở Iraq và Afghanistan, trong bối cảnh mối đe dọa đến từ Nga dọc biên giới với châu Âu vẫn đang tiếp diễn, tờ Stars and Stripes ngày 1/9 đưa tin.
Trong suốt hơn 10 năm qua, toàn bộ xe tăng, xe thiết giáp của quân đội Mỹ đều được sơn màu vàng cát để tăng khả năng ngụy trang trên môi trường tác chiến sa mạc ở Trung Đông. Nhưng khi tham chiến ở các khu vực không có sa mạc, màu sơn này sẽ đánh mất giá trị ngụy trang của nó. Việc thay đổi màu sơn của xe tăng, xe bọc thép Mỹ diễn ra trong lúc các đồng minh châu Âu đang ngày càng lo ngại về Nga, đặc biệt là sau cuộc khủng hoảng tại Ukraine.
Trung tướng Ben Hodges, chỉ huy lực lượng Mỹ ở châu Âu, cho rằng việc thay đổi màu sơn này không chỉ mang tính biểu tượng mà còn thể hiện sự đoàn kết và sẵn sàng của Mỹ với các đồng minh NATO.
"Đây là hành động mang tính răn đe và trấn an,", tướng Hodges tuyên bố trong khi đi kiểm tra các doanh trại quân đội Mỹ tại căn cứ Coleman ở Mannheim, Đức, nơi hàng trăm xe bọc thép Bradley, xe tăng và các vũ khí hạng nặng khác được triển khai.
Trong thời gian gần đây, Mỹ và NATO đã tăng cường sự hiện diện quân sự ở khu vực Đông Âu, vùng Baltic và Balkan, tạo ra một tuyến phòng thủ tại khu vực giáp với Nga. Hệ thống phòng thủ này được tăng cường kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào đầu năm 2014 và cuộc khủng hoảng ở miền đông Ukraine nổ ra sau đó.
Tại thời điểm Nga bắt đầu các động thái sáp nhập Crimea, quân đội Mỹ chỉ còn ba ngày nữa là bàn giao căn cứ Coleman cho phía Đức. Sau diễn biến trên, Mỹ đã quyết định sẽ tạm thời tiếp tục bố trí lực lượng quân sự tại căn cứ này cho đến khi tình hình căng thẳng hiện nay kết thúc.
Tuy nhiên việc tăng cường khả năng răn đe của lực lượng quân sự Mỹ tại châu Âu không chỉ đơn giản dừng lại ở thay đổi màu sơn xe tăng, xe bọc thép. Các quan chức quân sự Mỹ tại căn cứ Coleman đang tìm cách tăng khả năng vận chuyển các loại xe tăng, xe bọc thép tới khu vực, trong đó đường sắt là phương tiện vận chuyển chủ yếu.
Sau cả thập kỷ tham chiến ở Trung Đông, giờ đây các sĩ quan chỉ huy Mỹ lại đang phải học lại những kỹ năng hậu cần cổ điển vốn không được áp dụng trên chiến trường Iraq và Afghanistan, để có thể điều động một lượng lớn vũ khí, binh sĩ khắp các căn cứ ở châu Âu.
"Chúng tôi cần phải xây dựng lại năng lực hậu cần của mình ở một số cấp độ", tướng Duane A. Gamble, chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Lực lượng Hỗ trợ 21 (TSC 21), thừa nhận.
Trong tuần sau, những chiếc xe tăng, xe bọc thép của Mỹ sẽ được sơn toàn bộ màu xanh ngụy trang và sẽ được TSC 21 điều động đến khu vực Đông Âu. Nhìn ngắm những chiếc xe bọc thép vừa mới được thay màu sơn, tướng Hodges nhận định: "Có vẻ như chúng sẽ ở đây lâu dài".
Trí Dũng