Lực lượng đặc nhiệm được điều động hôm 20/4 gồm 15 xe tăng chiến đấu chủ lực Leclerc và hai trung đội, trong đó có 8 phương tiện chiến đấu bộ binh, xe bọc thép chở quân, IHS Janes cho hay. Lực lượng này sẽ ở lại Ba Lan trong hai tháng, tham gia các bài tập huấn luyện cùng binh sĩ Ba Lan và các nước đồng minh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)
Tổng thống Ba Lan Bronislaw Komorowski hôm qua cho biết ông sẽ đàm phán với Mỹ để mua hệ thống phòng thủ tên lửa tầm trung Patriot. Hệ thống phòng thủ tiên tiến này có thể đánh chặn máy bay, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo.
"Thứ gọi là lá chắn tên lửa trở thành ưu tiên hàng đầu nhằm giúp quá trình hiện đại hóa lực lượng vũ trang Ba Lan đạt hiệu quả", BBC dẫn lời ông Komorowski nói. Tình hình an ninh khu vực đang xấu đi do cuộc xung đột ở Ukraine.
Warsaw mua hệ thống Patriot được cho là do lo ngại việc Moscow bố trí các tên lửa ở Kaliningrad. Ba Lan hiện chưa thể phòng thủ trước loại vũ khí này.
Hợp đồng với Mỹ có thể trị giá 7 tỷ USD, mức cao nhất trong lịch sử Ba Lan, và nằm trong kế hoạch chi 35 tỷ USD để hiện đại hóa quân sự trong 8 năm tới của nước này. Ba Lan còn dự định mua thêm trực thăng, tàu ngầm và phương tiện bọc thép chở quân.
Một số chuyên gia nhận định việc Ba Lan mua hệ thống tên lửa có thể là động thái chính trị chuẩn bị cho cuộc bầu cử chuẩn bị diễn ra vào tháng 5 tới. "Khi xung đột vũ trang vẫn đang xảy ra ở Ukraine, Bronislaw Komorowski muốn thể hiện ông là một tổng tư lẹnh mạnh mẽ", trang tin Wirtualna Polska dẫn lời chuyên gia vận động chính trị Wieslaw Galazka nói.
NATO đang tăng cường sự hiện diện tại các quốc gia Baltic. Latvia cho biết nước này muốn là nơi tiếp nhận một tiểu đoàn thường trực của liên minh quân sự, Sputnik đưa tin.
NATO còn tổ chức hàng loạt bài diễn tập chiến tranh mạng giả định ở Estonia. Rob Pritchard, chuyên gia an ninh mạng thuộc Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI) ở London, nhận định động thái trên dù không chính thức nhưng phần nào đó là nhằm đối phó với mối đe dọa mơ hồ từ Nga.
Như Tâm