"Mỹ vẫn tham gia và tham vấn chặt chẽ với các đối tác Haiti và quốc tế của chúng tôi để hỗ trợ người dân Haiti sau vụ Tổng thống nước này bị ám sát", Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết tại cuộc họp báo hôm 9/7.
Tuy nhiên, Mỹ không có kế hoạch hỗ trợ quân sự vào thời điểm này, các quan chức Nhà Trắng nói, trong bối cảnh có thông tin cho rằng quan chức Haiti đã yêu cầu Mỹ điều quân tới nước này để bảo vệ các cơ sở hạ tầng quan trọng.
Phát ngôn viên Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cho biết cơ quan này đang làm việc với đại sứ quán Mỹ tại Haiti và các đối tác thực thi pháp luật để xác định cách thức hỗ trợ cuộc điều tra. Đại sứ Haiti tại Mỹ Bocchit Edmond nói đề nghị của chính phủ Haiti nêu rõ "vai trò quan trọng" mà FBI và Bộ Tư pháp Mỹ có thể thực hiện trong cuộc điều tra vụ ám sát.
Quan chức Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS) cũng sẽ tới Haiti sớm nhất có thể để đánh giá tình hình.
Ông Edmond nói thêm rằng chính phủ Haiti cũng yêu cầu Mỹ áp đặt biện pháp trừng phạt đối với các thủ phạm liên quan vụ ám sát theo Đạo luật Magnitsky Toàn cầu, trong đó cho phép tổng thống Mỹ từ chối nhập cảnh và trừng phạt kinh tế đối với bất kỳ cá nhân nước ngoài nào chịu trách nhiệm các vụ giết người không qua xét xử hoặc vi phạm nhân quyền.
"Chúng tôi mong muốn được hợp tác với các đối tác Mỹ khi tìm kiếm sự thật và công lý", Edmond đăng Twitter.
Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận hai công dân nước này bị chính quyền Haiti bắt sau vụ ám sát Tổng thống Moise và đang theo dõi chặt chẽ tình hình. "Chúng tôi cam kết hợp tác với giới chức Haiti trong cuộc điều tra", người phát ngôn Bộ Ngoại giao nói, song từ chối bình luận thêm với lý do quyền riêng tư.
Cảnh sát Haiti tuyên bố đã bắt được hai nghi phạm người Mỹ gốc Haiti là James Solages và Joseph Vincent. Solages, 35 tuổi, là người trẻ nhất trong số các nghi phạm, và Vincent, 55 tuổi, là người lớn tuổi nhất. 20 nghi phạm, gồm 18 người Colombia, đã bị cảnh sát Haiti bắt, trong khi ít nhất 5 nghi phạm khác đang bị truy lùng và 4 tay súng đã bị tiêu diệt.
Colombia cũng đã thông báo sẽ hỗ trợ cuộc điều tra. Tổng thống Ivan Duque cho biết người đứng đầu cơ quan tình báo quốc gia Colombia và giám đốc tình báo của cảnh sát quốc gia sẽ được cử đến Haiti cùng với Interpol.
Mỹ từng đưa quân chiếm đóng Haiti năm 1915 và sau đó tiếp tục triển khai quân tới nước này để "duy trì dân chủ" vào năm 1994. Tuy nhiên, các chiến dịch quân sự của Mỹ không thể giúp Haiti xây dựng nền dân chủ như kỳ vọng và quốc gia này vẫn là nước nghèo nhất ở Tây Bán cầu, chìm đắm triền miên trong xung đột chính trị, bạo lực băng đảng và thiên tai.
Huyền Lê (Theo CNBC)