Các công ty mới bị đưa vào danh sách hạn chế cũng vẫn với lý do lo ngại về an ninh quốc gia. Trong số này có QuantumCTek và công ty con Shanghai QuantumCTeck.
QuantumCTek tự nhận là doanh nghiệp tiên phong của Trung Quốc trong lĩnh vực điện toán lượng tử và đi đầu trong việc thương mại hóa loại công nghệ này. Họ gần đây ký thỏa thuận với iFlytek, nhà cung cấp công nghệ nhận dạng giọng nói dựa trên AI của Trung Quốc để đưa điện toán lượng tử vào các sản phẩm AI trong tương lai. iFlytek cũng bị Mỹ đưa vào danh sách đen.
Hunan Goke Microelectronics, công ty chip ở Changsha, cũng có trong Danh sách thực thể. Đây là một trong những nhà phát triển bán dẫn quan trọng của Trung Quốc, chuyên cung cấp chip điều khiển lưu trữ, chip video cho camera giám sát và chip GPS sử dụng trong điều hướng và định vị. Cổ phiếu Hunan Goke đã giảm 20% vào sáng 25/11. Trước đây, công ty từng thừa nhận trong hồ sơ chứng khoán rằng bất kỳ hạn chế nào đối với khả năng mua thiết bị, phần mềm từ Mỹ có thể khiến quá trình phát triển công nghệ của họ bị chậm lại.
Danh sách thực thể còn có Hangzhou Zhongke Microelectronics - nhà cung cấp chip tần số vô tuyến và định vị vệ tinh nổi tiếng. Công ty thành lập năm 2004 này sản xuất hộp cài đặt sử dụng trong Hệ thống vệ tinh dẫn đường Bắc Đẩu - tham vọng của Trung Quốc trong việc thay thế GPS của Mỹ, GLONASS của Nga và Galileo của EU.
Ngoài ra, Mỹ cấm New H3C Semiconductor Technologies, công ty con của Tsinghua Unigroup, tiếp cận công nghệ của mình. Doanh nghiệp này cũng nổi tiếng trong lĩnh vực chip nhớ và các linh kiện bán dẫn khác.
Động thái mới của Mỹ diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh vẫn đang gia tăng. Bộ Thương mại Mỹ cho biết, việc đưa các công ty mới vào Danh sách thực thể nhằm ngăn công nghệ của Mỹ có thể được sử dụng trong các ứng dụng quân sự, chẳng hạn các ứng dụng chống tàng hình, chống tàu ngầm hay các công nghệ về mã hóa và giải mã, thông qua các hệ thống máy tính lượng tử.
Jeff Pu, nhà phân tích công nghệ của Haitong International Securities, đánh giá rằng việc một loạt công ty mới bị đưa vào "danh sách đen" sẽ làm chậm tham vọng xây dựng chuỗi cung ứng công nghệ tự chủ của Trung Quốc. Hiện nhiều công ty Trung Quốc vẫn dựa vào công nghệ của Mỹ, bao gồm các công cụ thiết kế, sáng chế... để phát triển chip.
Mỹ và Trung Quốc chạy đua công nghệ lượng tử
Sau cuộc cách mạng về AI, BigData, 5G, công nghệ lượng tử trở thành đường đua mới của thế giới. Theo Nikkei, Mỹ đi đầu thế giới ở nhiều lĩnh vực công nghệ, nhưng trong lĩnh vực lượng tử, Trung Quốc đang thắng thế.
Thống kê giữa năm nay của Valuenex cho thấy, Trung Quốc nắm giữ hơn 3.000 bằng sáng chế liên quan đến công nghệ lượng tử, gấp đôi so với Mỹ và gấp ba Nhật Bản.
Ở Trung Quốc, công nghệ lượng tử đã vào giai đoạn chín muồi, ứng dụng của nó đã bước ra khỏi cánh cửa phòng thí nghiệm, len lỏi vào nhiều ngóc ngách của đời sống. Hồi tháng 1, nước này thông báo đã xây dựng mạng lưới điện liên lạc lượng tử dài 4.600 km, có thể kết nối hiệu quả từ vệ tinh với các điểm trên trái đất.
Nikkei dẫn lời Masahide Sasaki, chuyên gia nghiên cứu của Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông Quốc gia Nhật Bản: "Các nhà nghiên cứu trẻ Trung Quốc từng học tập ở nước ngoài đã hồi hương và làm 'bùng nổ' cuộc đua công nghệ lượng tử ở Trung Quốc".
Dù chưa có những tác động trực tiếp đến cuộc sống con người, trong tương lai, công nghệ lượng tử sẽ là nền tảng quan trọng để tạo ra những đột phá về vật liệu công nghiệp, y học, bảo mật, thậm chí thay đổi cả cách vận hành của Internet.
Hồi tháng 10, Trung Quốc công bố Jiuzhang 2, khẳng định là máy tính lượng tử mạnh nhất với 66 qubit, nhanh gấp 10 triệu lần siêu máy tính "khủng" nhất hiện nay và mạnh hơn Sycamore 55 qubit của Google, ra đời cách đây hai năm. Đến tháng 11, IBM giới thiệu bộ xử lý lượng tử 127 qubit mà hãng mô tả là "một phép màu nhỏ của thiết kế". Ngay sau đó, công ty khởi nghiệp QuEra tuyên bố chế tạo thành công cỗ máy 256 qubit.
Bảo Lâm (theo Nikkei Asia)