Theo thống kê của WIPO, Trung Quốc đã nộp tổng cộng 68.720 yêu cầu cấp bằng sáng chế trong năm 2020, tăng 16% so với 2019. Huawei đóng góp số lượng đơn xin cấp sáng chế lớn nhất và cũng là công ty bốn năm liên tiếp làm được điều này.
Trong khi đó, Mỹ vẫn đứng vị trí thứ hai với 59.230 hồ sơ, tăng 3% so với 2019. Nhật Bản xếp thứ ba với 50.520 hồ sơ, giảm 4%. Vị trí thứ tư thuộc về Hàn Quốc với 20.060 hồ sơ.
"Không phải lượng hồ sơ xin cấp bằng sáng chế ở các khu vực truyền thống như Mỹ hay châu Âu giảm đi, chỉ là khu vực châu Á đang có bước đột phá mạnh mẽ", Daren Tang, Tổng giám đốc WIPO, cho biết.
Trung Quốc lần đầu vươn lên dẫn đầu thế giới về lượng hồ sơ đăng ký sáng chế vào năm ngoái, nhiều hơn khoảng 1.000 hồ sơ so với Mỹ. Trước đó, Mỹ là quốc gia duy trì vị thế này kể từ năm 1978. Theo các chuyên gia, việc thúc đẩy kế hoạch "Made in China 2025" của chính phủ Trung Quốc là nguyên nhân chính giúp nước này thành một siêu cường về sở hữu trí tuệ.
Hàn Quốc cũng đang bắt đầu xây dựng mô hình tương tự Trung Quốc khi vào năm ngoái, chính phủ nước này đã triển khai sáng kiến "Thỏa thuận mới", trong đó tập trung đầu tư vào truyền thông 5G và AI. Với 20.060 hồ sơ, Hàn Quốc đã vượt qua Đức để xếp thứ tư trong 2020.
Theo đánh giá của WIPO, quốc gia châu Á đã trở thành trung tâm của sự đổi mới công nghệ. Bên cạnh Nhật Bản và Hàn Quốc, Singapore và Arab Saudi cũng đang thúc đẩy phát triển về khoa học công nghệ, bằng chứng là số lượng hồ sơ đăng ký sáng chế đã tăng nhanh trong 2020.
Trong số 50 công ty hàng đầu về số lượng hồ sơ đăng ký bằng sáng chế, các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc chiếm hơn 60%. Mỹ và Trung Quốc cũng có số lượng trường học đăng ký sở hữu trí tuệ nhiều nhất.
Tổng thể, số lượng hồ sơ đăng ký bằng sáng chế trên toàn thế giới đã tăng 4% lên 275.900 đơn - mức cao nhất mọi thời đại. Riêng các hồ sơ liên quan đến công nghệ máy tính, truyền thông kỹ thuật số, ứng dụng thực tế ảo và thực tế tăng cường, công nghệ nghe nhìn tăng nhiều nhất.
Như Phúc (theo Nikkei Asia)