Hải quân Mỹ hôm 21/4 công bố kế hoạch đóng tàu 30 năm tới, trong đó đặt mục tiêu loại biên toàn bộ tuần dương hạm lớp Ticonderoga và thay thế chúng bằng tàu khu trục lớp Arleigh Burke biến thể Flight III.
Nếu kế hoạch được quốc hội phê duyệt, hải quân Mỹ sẽ loại bỏ 10 chiếc Ticonderoga trong năm nay và 12 chiếc còn lại trước năm 2028, bất chấp một số tàu đang được hiện đại hóa với chi phí 200 triệu USD mỗi chiếc. Lý do được hải quân Mỹ đưa ra là lớp Ticonderoga đã hoạt động quá 30 năm, trong khi chi phí vận hành và bảo dưỡng chúng ngày càng đắt đỏ.
Số phận các tuần dương hạm này là đề tài gây tranh cãi giữa hải quân và quốc hội Mỹ suốt 10 năm qua, do chúng sở hữu những tính năng quý giá và dàn vũ khí đồ sộ khó thay thế trong thời gian ngắn. Hải quân Mỹ từng đề xuất nhiều phương án, trong đó có niêm cất hoặc hiện đại hóa đội tàu này, nhưng đều bị quốc hội bác bỏ.
Ticonderoga là lớp tàu mặt nước duy nhất của Mỹ có khả năng chỉ huy và kiểm soát phòng không, đồng thời đóng vai trò đầu não điều phối mọi hoạt động phòng thủ đường không trong các nhóm tác chiến tàu sân bay. Mỗi chiếc sở hữu 122 ống phóng tên lửa thẳng đứng, so với 90-96 ống trên tàu khu trục lớp Arleigh Burke.
"Các tàu tuần dương và chương trình hiện đại hóa đã đội giá 175-200%, trong khi chậm tiến độ hàng trăm ngày. Chúng có tuổi thọ hoạt động 30 năm, nhưng đã vận hành tới 35 năm", tham mưu trưởng hải quân Mỹ Michael Gilday nói trong phiên điều trần trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ hồi năm ngoái.
Theo kế hoạch hiện tại, hải quân Mỹ sẽ bổ sung các tàu khu trục Arleight Burke Flight III để dần thay thế lớp Ticonderoga, chiếc đầu tiên là USS Jack Lucas dự kiến được biên chế vào năm sau. Tuy nhiên, những khu trục hạm mới sẽ được biên chế chậm hơn nhiều so với tốc độ loại biên tàu tuần dương.
Hải quân Mỹ từng lên kế hoạch phát triển lớp tuần dương hạm thế hệ mới mang tên mã CG(X), nhưng dự án bị hủy bỏ hồi năm 2010 do chi phí quá cao.
Vũ Anh (Theo USNI)