"Các khí cầu tầng bình lưu tầm cao đã bay qua khu vực Trung Đông. Chúng không bay qua các căn cứ quân sự Mỹ hay gây ra bất kỳ mối đe dọa nào đối với lực lượng của chúng tôi", trung tướng Alexus Grynkewich, chỉ huy Bộ Tư lệnh Trung tâm Lực lượng Không quân Mỹ, nói với phóng viên trong cuộc thảo luận do Trung tâm An ninh Mỹ Mới tổ chức ngày 13/2. "Thứ tôi đang đề cập đến từ Trung Quốc".
Theo ông Grynkewich, những khí cầu Trung Quốc được phát hiện vào mùa thu năm 2022 và một vài năm trước. Trong một trường hợp, khí cầu chủ yếu di chuyển trên mặt nước.
"Đó là khí cầu thời tiết hay khí cầu do thám? Chúng tôi chưa bao giờ đến gần vì nó chưa bao giờ là mối đe dọa. Chúng tôi chưa bao giờ phải kiểm tra hay nhận dạng trực quan về nó", Grynkewich nói thêm.
Trung Quốc chưa bình luận về thông tin này.
Bình luận của ông Grynkewich được đưa ra sau khi Mỹ bắn hạ ít nhất một khí cầu Trung Quốc vào đầu tháng này và hạ ba vật thể bay không xác định khác ở Alaska, Michigan và Canada vài ngày qua.
Chính quyền Biden lên án việc khí cầu Trung Quốc bay vào lãnh thổ là hành vi vi phạm trắng trợn chủ quyền. Bắc Kinh bày tỏ lấy làm tiếc vì "khí cầu bay lạc", nhưng bác cáo buộc đây là khí cầu do thám và lên án phản ứng của Washington là "lạm dụng vũ lực, thái quá".
Trung Quốc hôm 13/2 nói rằng khí cầu Mỹ đã bay qua không phận nước này mà không xin phép hơn 10 lần kể từ đầu tháng 1/2022. Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Adrienne Watson bác bỏ cáo buộc, khẳng định Trung Quốc "mới là bên có chương trình khí cầu giám sát tầm cao để thu thập thông tin tình báo". "Họ đã sử dụng nó để vi phạm chủ quyền của Mỹ và hơn 40 quốc gia trên 5 châu lục", Watson nói nhưng không nêu rõ tên các nước này.
Huyền Lê (Theo Hill, Politico)