Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen trong cuộc phỏng vấn hôm 13/7 cho biết đã trao đổi về ý tưởng áp trần giá dầu Nga với Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc trong cuộc họp trực tuyến tuần trước.
"Họ đã lắng nghe và sẵn sàng thảo luận thêm với chúng tôi về vấn đề này", Bộ trưởng Yellen nói.
Trung Quốc chưa phản hồi về thông tin trên.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ đang có chuyến công du tới Nhật Bản, Hàn Quốc và Indonesia trong tuần này, nhằm tìm kiếm sự ủng hộ với đề xuất áp trần giá dầu Nga của Washington.
Trung Quốc là nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới và cũng là bên nhập khẩu dầu lớn của Nga. Tuần trước, dữ liệu theo dõi tàu chở dầu cho thấy Trung Quốc có khả năng đã nhập hai triệu thùng dầu/ngày từ Nga hồi tháng 6. Điều này khiến Nga trở thành nhà cung cấp dầu hàng đầu của Trung Quốc hai tháng liên tiếp.
Sau hội nghị thượng đỉnh ở Đức tháng trước, lãnh đạo các nước G7 đã đề nghị các nước xem xét đề xuất áp trần giá dầu Nga nhằm cắt giảm nguồn thu của Moskva từ năng lượng.
Lãnh đạo các nước G7 cảnh cáo có thể xem xét loạt biện pháp như cấm các dịch vụ vận chuyển dầu thô và sản phẩm hóa dầu Nga trên toàn cầu, trừ khi dầu được mua với giá bằng hoặc thấp hơn mức đã được thỏa thuận với sự tham vấn của các đối tác quốc tế.
Phương Tây đang đối mặt thách thức khi vừa cố gắng hạn chế nguồn dầu từ Nga, vừa không khiến giá dầu thô quốc tế tiếp tục tăng cao.
Trung Quốc cùng Ấn Độ là hai nền kinh tế lớn không áp lệnh trừng phạt Nga, thậm chí còn tăng mua dầu giá rẻ của nước này, bất chấp sức ép từ phương Tây. Bắc Kinh đã kêu gọi các bên trong xung đột ở Ukraine đàm phán hòa bình, nhưng không chỉ trích Moskva.
Ngọc Ánh (Theo Wall Street Journal)