Khí cầu Trung Quốc bị hạ cuối tuần trước "có khả năng thu thập thông tin tình báo điện tử" và là một phần "của phi đội khí cầu từng bay qua hơn 40 quốc gia trên 5 châu lục", quan chức cao cấp của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 9/2 cho biết nhưng không nêu rõ tên những quốc gia này.
Theo quan chức, chính quyền Tổng thống Joe Biden xác định rằng khí cầu Trung Quốc "có thể theo dõi thông tin liên lạc của Mỹ". Ảnh do trinh sát cơ U-2 của Mỹ chụp cho thấy khí cầu Trung Quốc mang theo các thiết bị "rõ ràng để thu thập thông tin tình báo, không phù hợp với thiết bị trên phương tiện giám sát thời tiết". Giới chức Mỹ chưa công bố những hình ảnh này.
"Khí cầu mang theo nhiều ăng-ten với một mảng có thể thu thập và xác định vị trí của thông tin liên lạc", quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nhận định. "Khí cầu có các tấm pin mặt trời đủ lớn nhằm tạo ra năng lượng cần thiết để vận hành nhiều cảm biến thu thập thông tin tình báo".
Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 9/2 thông báo nước này đang xem xét khả năng trừng phạt thực thể liên quan tới quân đội Trung Quốc hỗ trợ đưa khí cầu vào không phận Mỹ, đồng thời nhận định hãng sản xuất "có liên hệ trực tiếp với quân đội Trung Quốc".
Một quan chức thuộc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cùng ngày cho biết tới nay họ chỉ thu hồi được "một phần rất nhỏ trong bộ phận giám sát mà khí cầu mang theo", chủ yếu là các mảnh vỡ trôi nổi trên biển.
Phần còn lại của bộ phận mà khí cầu mang theo, trong đó có các tấm pin năng lượng mặt trời lớn, nằm tại độ sâu khoảng 14 m ngoài khơi bờ biển bang Nam Carolina.
"Chúng tôi đang phối hợp với hải quân và tuần duyên Mỹ thu thập chúng", quan chức FBI nói, đồng thời dự báo "sẽ mất nhiều thời gian" để trục vớt rồi chuyển mảnh vỡ tới phòng thí nghiệm của FBI ở Quantico, bang Virginia
Khi được hỏi có chất nổ hay thành phần gây hại nào khác từ khí cầu hay không, quan chức FBI nói rằng "chưa xác định được vật liệu hoặc năng lượng nào gây hại" từ phương tiện.
Các quan chức FBI thừa nhận cơ quan này chưa từng điều tra khí cầu như loại của Trung Quốc. Cơ quan này cũng chưa có thông tin về nơi sản xuất một số bộ phận của khí cầu, song các bằng chứng có thể được sử dụng cho hoạt động tình báo hoặc truy tố hình sự.
Lầu Năm Góc tuần trước thông báo phát hiện khí cầu Trung Quốc đi vào không phận Mỹ. Trung Quốc khẳng định đây là khí cầu phục vụ nghiên cứu khí tượng và các hoạt động khoa học khác, bày tỏ lấy làm tiếc vì phương tiện "đi lạc vì lý do bất khả kháng".
Không quân Mỹ bắn hạ khí cầu trên vùng biển ngoài khơi bang Nam Carolina ngày 4/2. Sau khi Mỹ tuyên bố không trả lại xác khí cầu, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết phương tiện không thuộc về Mỹ và "sẽ kiên quyết bảo vệ các quyền cùng lợi ích hợp pháp của mình".
Tại khu vực Mỹ Latinh, cơ quan hàng không dân dụng Costa Rica hôm 5/2 cho hay giới chức nhận được thông tin một khí cầu bay qua lãnh thổ ngày 2/2. Bộ Ngoại giao Costa Rica hôm 6/2 cho biết chính phủ Trung Quốc thừa nhận một khí cầu của họ đã bay qua lãnh thổ nước này và đại sứ quán Trung Quốc tại San Jose đã "xin lỗi về sự cố", đồng thời nhấn mạnh rằng khí cầu tập trung vào nghiên cứu khoa học, chủ yếu là thời tiết.
Nguyễn Tiến (Theo Reuters, CBS)