Các quan chức Mỹ giấu tên cho biết tiêm kích Su-35 của Nga bay áp sát trinh sát cơ MC-12 của Mỹ ngày 16/7, đánh dấu sự leo thang đáng kể trong chuỗi cuộc chạm trán giữa máy bay hai nước ở Syria những tuần gần đây.
Theo quan chức Mỹ, hành động của Su-35 đã gây trở ngại khả năng vận hành an toàn của tổ bay MC-12, đồng thời gọi đây là hành vi không an toàn "ở cấp độ mới" có thể dẫn đến tai nạn hoặc chết người.
Các quan chức không cho biết tiêm kích Nga tiếp cận máy bay Mỹ ở khoảng cách bao nhiêu. Họ nói rằng MC-12, loại máy bay hai động cơ thường được đặc nhiệm sử dụng, đang thực hiện nhiệm vụ giám sát để hỗ trợ hoạt động chống Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria.
Nga hiện chưa phản hồi về thông tin này.
Mỹ gần đây liên tục cáo buộc tiêm kích Nga quấy rối máy bay không người lái MQ-9, nhưng sự cố mới nhất được cho là gióng lên chuông cảnh báo vì gây nguy hiểm tính mạng quân nhân Mỹ.
Trong hai tuần qua, tiêm kích Nga bị cáo buộc nhiều lần áp sát nguy hiểm MQ-9 Reaper, thả pháo sáng và buộc các máy bay không người lái phải thực hiện động tác né tránh. Chuẩn đô đốc Oleg Gurinov, phó giám đốc Trung tâm Hòa giải do quân đội Nga thiết lập tại Syria, sau đó cho rằng thiết bị chỉ thị mục tiêu trên UAV Mỹ có thể đã kích hoạt hệ thống phòng thủ của những chiếc Su-35S.
Theo quan chức quốc phòng cấp cao Mỹ, Washington đang xem xét một số lựa chọn quân sự để đối phó động thái của Nga trên bầu trời Syria. Quan chức giấu tên này từ chối cung cấp chi tiết các lựa chọn đang được xem xét, nhưng cho biết Mỹ sẽ không nhượng bộ bất kỳ khu vực nào và sẽ tiếp tục hoạt động bay ở miền tây Syria để thực hiện nhiệm vụ chống IS.
Mỹ và Nga hồi năm 2019 thống nhất quy tắc sử dụng không phận Syria nhằm tránh các sự cố ngoài ý muốn có thể làm gia tăng căng thẳng. Hai bên đồng ý không bay qua đầu lực lượng của nhau, nhất là với máy bay mang vũ khí.
Nga duy trì sự hiện diện quân sự đáng kể ở Syria và là đồng minh thân cận của Tổng thống Bashar al-Assad, hỗ trợ chính phủ của ông chống lại phe đối lập. Mỹ duy trì lượng nhỏ binh sĩ tại Syria để hỗ trợ chiến dịch chống IS và bảo vệ các cơ sở khai thác dầu mỏ, vốn do lực lượng người Kurd kiểm soát.
Syria và Nga cáo buộc Mỹ triển khai căn cứ bất hợp pháp trên lãnh thổ quốc gia Trung Đông, trong khi Lầu Năm Góc tuyên bố lính Mỹ chỉ rời đi khi IS hoàn toàn bị xóa sổ và các đồng minh của họ ở Syria được bảo vệ.
Nga bắt đầu gia tăng hoạt động quân sự từ tháng 3, trong bối cảnh Moskva, Tehran và chính phủ ở Damascus tăng cường hợp tác, phối hợp để gây sức ép buộc Washington rời Syria. Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov đầu tháng này nói rằng lực lượng Mỹ hiện diện ở Syria trái với chuẩn mực và luật pháp quốc tế.
"Họ đang chiếm đóng một số khu vực nhất định tại Syria, núp sau vỏ bọc tiến hành các hoạt động chống khủng bố. Chính sách của Mỹ ở Syria đang gây ra tình trạng hủy hoại nghiêm trọng. Nó không chỉ cản trở nỗ lực ổn định tình hình và khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của Syria, mà còn tác động tiêu cực đến toàn bộ tình hình ở Trung Đông", ông Antonov nói.
Huyền Lê (Theo AP)