Tổng giám đốc tập đoàn hàng không vũ trụ Nga Roscosmos Yuri Borisov ngày 26/7 gây bất ngờ cho NASA khi thông báo Nga dự định chấm dứt quan hệ lâu dài với Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) "sau năm 2024".
Giám đốc NASA phụ trách hoạt động không gian Kathy Lueders sau đó cho biết các quan chức Nga thông báo với cơ quan vũ trụ Mỹ rằng Roscosmos muốn tiếp tục hợp tác tới khi họ đưa trạm vũ trụ Nga có tên ROSS lên quỹ đạo.
"Chúng tôi không nhận được bất cứ dấu hiệu nào ở mọi cấp độ làm việc cho thấy mọi thứ đã thay đổi", bà Lueders nói, đồng thời cho biết quan hệ của NASA với Roscosmos "vẫn tiếp tục như bình thường".
Roscosmos ngày 27/7 đăng trên trang web cuộc phỏng vấn với Vladimir Solovyov, giám đốc điều hành phần của Nga tại ISS. Ông nói rằng Nga phải tiếp tục ở lại ISS cho đến khi ROSS hoạt động. Solovyov dự kiến ROSS sẽ được lắp ráp hoàn chỉnh vào năm 2028.
"Chúng tôi cần tiếp tục vận hành ISS cho tới khi tạo ra công việc hữu hình cho ROSS. Chúng tôi cần tính đến trường hợp nếu ngừng các chuyến bay có người lái trong vài năm, rất khó có thể khôi phục những gì đã đạt được".
Trạm vũ trụ ISS là một phòng thí nghiệm khoa học có kích thước bằng một sân bóng đá, quay quanh Trái đất ở độ cao 400 km. Các bộ phận của ISS do Nga và Mỹ chế tạo phụ thuộc lẫn nhau về kỹ thuật.
Trong hơn hai thập kỷ, Mỹ và Nga dẫn đầu chương trình hợp tác đưa phi hành gia lên trạm ISS với sự tham gia của Canada, Nhật Bản và 11 quốc gia châu Âu.
Chương trình vận hành ISS là một trong những hợp tác cuối cùng giữa Mỹ và Nga trong bối cảnh căng thẳng giữa hai quốc gia leo thang. Tuy nhiên, số phận của trạm ISS thành câu hỏi sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm "phi quân sự và phi phát xít hóa Ukraine".
Các bên chưa đạt thỏa thuận kéo dài sự tham gia của Nga trong chương trình ISS sau năm 2024. NASA, Roscosmos và các đối tác khác chịu trách nhiệm vận hành ISS dự kiến thảo luận ngày 29/7 về tiếp tục hiện diện trên trạm vũ trụ tới năm 2030, bà Lueders cho biết.
Nguyễn Tiến (Theo Reuters)