"Iran đã đạt những bước tiến đáng kể từ khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân. Trước khi chính quyền tiền nhiệm từ bỏ thỏa thuận hồi năm 2018, Iran cần 12 tháng để chế tạo đủ vật liệu phân hạch cho một quả bom hạt nhân. Con số này giờ đây là 12 ngày", Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách chính sách Colin Kahl cho biết trong cuộc điều trần trước Hạ viện Mỹ hôm 1/3.
Phát biểu được đưa ra khi một nghị sĩ Cộng hòa đặt câu hỏi vì sao chính quyền Tổng thống Joe Biden tìm cách khôi phục thỏa thuận hạt nhân với Iran, có tên đầy đủ là Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA), suốt hai năm qua.
"Tôi cho rằng phương án tốt nhất hiện nay là giải quyết vấn đề bằng biện pháp ngoại giao và tái áp đặt những hạn chế với chương trình hạt nhân Iran. Tuy nhiên, JCPOA vẫn đang đóng băng", ông Kahl nói.
Giới chức Mỹ từng nhiều lần công bố nhận định về thời gian Iran cần để sản xuất đủ lượng nhiên liệu phóng xạ cho một quả bom hạt nhân, nhưng chưa bao giờ đưa ra con số chính xác như Thứ trưởng Kahl. Washington đánh giá Tehran đang hoàn thiện công nghệ làm giàu uranium cấp độ cao, nhưng cho rằng Iran chưa thể làm chủ khả năng chế tạo bom hạt nhân hoàn chỉnh.
Báo cáo ngày 28/2 của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho thấy các thanh sát viên đã phát hiện phân tử uranium có độ tinh khiết 83,7% tại máy ly tâm tiên tiến ở nhà máy làm giàu nhiên liệu Fordow, nơi Tehran đang làm giàu uranium với cấp độ 60%.
Trường hợp mức độ làm giàu uranium tăng đột biến có thể xảy ra ngẫu nhiên, nhưng giới quan sát cho rằng mức tăng này là "tương đối lớn".
Báo cáo của IAEA cũng cho biết trữ lượng uranium làm giàu 60% của Iran đã tăng thêm 25,2 kg so với báo cáo quý trước, lên mức 87,5 kg. Tổng dự trữ uranium làm giàu 60% hoặc thấp hơn của Tehran ước tính hơn 3,7 tấn. Theo IAEA, 42 kg uranium làm giàu 60% được coi là lượng nguyên liệu hạt nhân đáng kể, có khả năng sản xuất được bom nguyên tử.
Tehran khẳng định chương trình hạt nhân chỉ nhằm mục đích hòa bình và phục vụ hoạt động dân sự, chưa bao giờ có tham vọng sở hữu vũ khí nguyên tử. Tuy nhiên, uranium làm giàu 60% là mức cao hơn nhiều so với giới hạn 3,67% trong JCPOA.
Thỏa thuận hạt nhân được Iran ký với các cường quốc năm 2015, trong đó Tehran sẽ hạn chế hoạt động hạt nhân để đổi lại được dỡ bỏ một phần các lệnh trừng phạt.
Mỹ và Israel từ lâu bày tỏ quan ngại về năng lực hạt nhân của Iran. Cựu tổng thống Donald Trump năm 2018 đơn phương rút Mỹ khỏi JCPOA và tái áp đặt các lệnh trừng phạt nghiêm khắc với Iran. Tehran cũng từ bỏ cam kết trong thỏa thuận để đáp trả.
Mỹ và Iran bắt đầu đàm phán hồi sinh JCPOA từ năm 2021 với Liên minh châu Âu (EU) làm trung gian, nhưng nỗ lực này cho đến này chưa có tiến triển.
Vũ Anh (Theo Reuters)