Trong hơn hai tháng qua, thế giới chờ đợi để xem liệu Tổng thống Nga Vladimir Putin dự định làm gì với hơn 100.000 quân mà ông triển khai sát biên giới Ukraine, tình báo Mỹ và các đồng minh phương Tây cũng liên tục tung ra những thông tin mật qua nhiều kênh khác nhau.
Tiết lộ tình báo đầu tiên về động thái quân sự của Nga được Mỹ tung ra vào tháng 12/2021, trong đó cáo buộc Nga đang lên kế hoạch tấn công Ukraine vào đầu năm 2022. Tài liệu tình báo này, cùng với những bức ảnh vệ tinh chụp vị trí đóng quân của lực lượng Nga gần Ukraine, được cung cấp cho tờ Washington Post để công bố.
Đến cuối tháng 1, chính phủ Anh, đồng minh thân cận với Mỹ, tiếp tục cáo buộc Nga lên kế hoạch lật đổ chính quyền Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky để thay thế bằng một lãnh đạo thân Nga. Tình báo Mỹ cũng cho rằng Nga dự định cài phần tử phá hoại tới miền đông Ukraine để dàn dựng các vụ tấn công, tạo cớ cho Moskva động binh.
Đầu tháng 2, giới chức Mỹ tiếp tục nói họ có thông tin tình báo cho thấy Nga đang tạo cớ tấn công Ukraine. Tuần trước, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho rằng cuộc tấn công của Nga vào Ukraine có thể "sắp xảy ra" và kêu gọi người Mỹ rời khỏi quốc gia này.
Những thông tin tình báo này được đưa ra mà gần như không có bằng chứng chứng minh hay nguồn gốc để kiểm chứng. Chúng vẽ ra những kịch bản gây xôn xao và khiến những bên liên quan tranh cãi về điều gì sắp xảy ra.
Ngay cả Tổng thống Zelensky cũng chỉ trích Mỹ gieo rắc hoảng loạn bằng những thông tin như vậy. Với những cảnh báo ngày càng cấp bách mà tình báo Mỹ đưa ra, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã dần rút khỏi Ukraine, trong khi các hãng hàng không hủy chuyến bay thương mại. Zelensky đã yêu cầu Mỹ cùng các đồng minh phương Tây cung cấp bằng chứng cho thấy một cuộc tấn công của Nga "sắp xảy ra" như những gì họ nói.
Các quan chức cấp cao Nhà Trắng tuyên bố họ tung ra những thông tin tình báo này như một động thái "đi trước" nhằm răn đe Nga thực hiện hành động phiêu lưu quân sự ở Ukraine.
Không rõ những tiết lộ tình báo này có tác dụng răn đe nào với Nga hay không, nhưng công bố loạt thông tin tình báo để thúc đẩy các mục tiêu chính sách đối ngoại có thể tiềm ẩn rủi ro, theo Douglas London, nhà phân tích của Foreign Affairs.
Thông tin tình báo sẽ chỉ mang lại hiệu quả nếu được các nhà hoạch định chính sách tin tưởng và sử dụng. Chúng đồng thời cũng có thể mang tới cho đối thủ cái nhìn sâu sắc hơn về hoạt động tình báo Mỹ và có những biện pháp "bắt bài", khiến Washington mất uy tín.
Thông tin tình báo không phải lúc nào cũng chính xác và thường chỉ là một phát hiện tức thời tại một thời điểm nào đó. Năm 2003, cựu ngoại trưởng Colin Powell từng khiến Mỹ mất uy tín với bài phát biểu tại Liên Hợp Quốc, trong đó ông tiết lộ bằng chứng rằng Iraq có vũ khí hủy diệt hàng loạt.
"Những gì chúng tôi cung cấp cho các bạn là sự thật và kết luận dựa trên những thông tin tình báo vững chắc", Powell nói. Nhưng thông tin này sau đó được chứng minh là không chính xác.
Giải mật và công bố các thông tin tình báo cũng có thể gây nguy hiểm cho nỗ lực của Mỹ trong bảo vệ nguồn tin và phương pháp thu thập thông tin. Khi liên tục tung ra những thông tin mình nắm được, Mỹ có thể giúp đối thủ nhận ra "lỗ hổng" trong chiến lược của mình và nhanh chóng khắc phục.
Trong một bài đăng Twitter vào năm 2019, tổng thống Mỹ khi đó là Donald Trump đã công bố bức ảnh, dường như chưa được giải mật, về vụ nổ tại một bệ phóng tên lửa của Iran.
"Chắc chắn sau tiết lộ này, Tehran đã thay đổi lịch trình, địa điểm và cách thức tiến hành các vụ thử tên lửa của họ", nhà phân tích London nhận định.
Chuyên gia này cho rằng Mỹ có năng lực tình báo rất tốt và "những thông tin mà họ cung cấp gần như không có giới hạn". Washington cũng có thể dựa vào trao đổi thông tin tình báo thu thập được để thúc đẩy các liên minh đối phó mối đe dọa từ Nga.
"Trao đổi thông tin tình báo để ngăn chặn mối đe dọa là hợp lý, nhưng chỉ ở một mức độ nào đó", London cho hay, thêm rằng chính quyền Biden cũng cần lưu ý rằng những tiết lộ của họ có thể mang tới những hệ quả lớn.
Trong cuộc khủng hoảng Ukraine, Mỹ dường như đã vận dụng một cách tối đa chiến thuật công bố những thông tin tình báo mà họ thu thập được. Tuy nhiên, thước đo thực sự về mức độ hiệu quả của chúng là liệu Nga có thực sự động binh với Ukraine hay không.
Ngay sau khi tình báo Mỹ đưa ra dự đoán Nga có thể tấn công Ukraine vào ngày 15/2 hoặc rạng sáng 16/2, Bộ Quốc phòng Nga thông báo bắt đầu rút lực lượng gần biên giới Ukraine. Đây được coi là một đòn giáng của Nga vào mức độ đáng tin cậy của thông tin tình báo Mỹ cũng như những cáo buộc tấn công, điều mà phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova từng gọi là "cơn cuồng loạn" của phương Tây.
"15/2 sẽ đi vào lịch sử là ngày cỗ máy tuyên truyền chiến tranh của phương Tây thất bại", bà Zakharova đăng trên mạng xã hội sau khi thông báo rút quân được Bộ Quốc phòng Nga đưa ra. "Họ đã bị làm bẽ mặt và thảm bại mà không cần một phát súng nào".
Thanh Tâm (Theo Foreign Affairs)