Đại sứ Mỹ Linda Thomas-Greenfield trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 14/4 chỉ trích Nga "làm tình hình lương thực trở nên bấp bênh hơn tại Yemen và tồi tệ hơn ở những nơi khác" khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Bà Thomas-Greenfield nói Chương trình Lương thực Thế giới xác định Yemen, quốc gia nghèo nhất trong khối Arab, là một trong những nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất do lúa mì tăng giá và thiếu hàng nhập khẩu từ Ukraine.
Phó đại sứ Nga tại LHQ Dmitry Polyansky sau đó khẳng định chiến dịch quân sự đặc biệt của nước này tại Ukraine "không phải yếu tố chính gây ra bất ổn và nguồn gốc của vấn đề ngày nay, mà là các biện pháp trừng phạt áp đặt lên đất nước chúng tôi", vốn nhằm mục đích cắt đứt nguồn cung năng lượng Nga cho phương Tây.
"Nếu thực sự muốn giúp thế giới tránh khủng hoảng lương thực, các bạn nên dỡ lệnh trừng phạt do mình áp đặt và lựa chọn. Các nước nghèo sẽ ngay lập tức cảm nhận được sự khác biệt", ông Polyansky nói. "Nếu các bạn không sẵn lòng làm điều này, đừng rao giảng và đánh lừa mọi người nữa".
Cuộc đấu khẩu diễn ra một ngày sau khi nhóm chuyên trách của LHQ cảnh báo chiến sự tại Ukraine nguy cơ tàn phá nền kinh tế của nhiều nước đang phát triển, vốn đang đối mặt với chi phí lương thực và năng lượng ngày càng tăng trong khi điều kiện tài chính của họ ngày càng khó khăn.
"Có tới 1,7 tỷ người, 1/3 trong số này ở mức nghèo đói, đang phải đối mặt với tình trạng gián đoạn của hệ thống lương thực, năng lượng và tài chính đang làm gia tăng đói nghèo", Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cho biết.
36 quốc gia nhập khẩu hơn 50% lượng lúa mì của họ từ Nga và Ukraine, trong số này có các nước nghèo nhất thế giới, ông Guterres cho hay. Trong khi đó, giá lúa mì và ngô tăng 30% từ đầu năm nay.
Nhóm chuyên trách của LHQ báo cáo 69 quốc gia, với dân số 1,2 tỷ người, chịu ảnh hưởng nghiêm trọng hoặc đáng kể từ khủng hoảng lương thực, năng lượng và tài chính. LHQ ngày 14/4 thông báo giải ngân 100 triệu USD từ quỹ khẩn cấp để hỗ trợ 7 điểm nóng thiếu lương thực, gồm Yemen, Somalia, Ethiopia, Kenya, Sudan, Nam Sudan và Nigeria.
Khi được hỏi về bình luận của phó đại sứ Nga Polyansky và liệu ông Guterres có lo ngại lệnh trừng phạt làm tăng giá thực phẩm hay không, phát ngôn viên LHQ Stephane Dujarric trả lời "sẽ an toàn khi nói không có lệnh trừng phạt nếu không có xung đột".
Nguyễn Tiến (Theo ABC News)