"Các tàu chiến đấu ven biển (LCS) lớp Freedom mà chúng tôi sở hữu gặp nhiều vấn đề về kỹ thuật, nhưng điều quan trọng hơn là chúng thiếu năng lực tác chiến để đối phó đối thủ ngang hàng như Trung Quốc", đô đốc Mike Gilday, tham mưu trưởng hải quân Mỹ, nói trong phiên điều trần tại Thượng viện Mỹ ngày 26/5.
Theo ông Gilday, yếu tố quan trọng dẫn đến quyết định loại biên các tàu LCS lớp Freedom là gói tác chiến chống ngầm đang được phát triển cho các chiến hạm này không hiệu quả. "Chúng tôi sẽ không chi thêm tiền cho hệ thống không đối phó được với mối đe dọa dưới lòng biển của Trung Quốc", ông nói thêm.
Hải quân Mỹ lên kế hoạch phát triển hộ vệ hạm lớp Constellation để đáp ứng yêu cầu tác chiến chống ngầm của quân chủng, sau khi từ bỏ dự định dùng tàu LCS lớp Freedom cho nhiệm vụ này.
Đô đốc Gilday nói hải quân Mỹ vẫn còn nhiều khí tài khác như khu trục hạm và máy bay tuần thám P-8 có thể đảm nhận nhiệm vụ tác chiến săn ngầm trong một thời gian nữa.
Hải quân Mỹ đề xuất loại biên 9 tàu LCS lớp Freedom có tổng trị giá 4,5 tỷ USD trong đề xuất ngân sách năm tài khóa 2023. Tuy nhiên, các nghị sĩ Mỹ chỉ trích kế hoạch này, do không chiến hạm nào trong số 9 tàu LCS nói trên đã đủ thời gian vận hành như mong đợi.
Mỹ bắt đầu chương trình LCS từ năm 2004, khi đó chiến hạm loại này được đánh giá có thiết kế hiện đại, giá rẻ, linh hoạt và tối ưu cho nhiệm vụ tuần tra các vùng biển nông gần bờ, giao thông hàng hải nhộn nhịp như ở Trung Đông.
Các tàu LCS được kỳ vọng sẽ trở thành trụ cột trong lực lượng hải quân mạnh nhất thế giới vào năm 2025. Tuy nhiên, sau 14 năm vận hành tàu LCS đầu tiên, hải quân Mỹ ngày càng thất vọng với lớp chiến hạm này do không đáp ứng nhu cầu tác chiến.
Hải quân Mỹ có hai hải đội LCS, một được trang bị chiến hạm lớp Freedom đóng quân ở Mayport, Florida và một được trang bị tàu lớp Independence đóng ở San Diego, California.
Nguyễn Tiến (Theo USNI)