Đài truyền hình NRK của Na Uy cho biết Oslo và Washington có thể ký thỏa thuận trong tuần này, mở đường cho hải quân Mỹ sử dụng căn cứ Olavsvern tại thành phố miền bắc Tromso.
Na Uy bắt đầu xây dựng căn cứ bí mật Olavsvern, nơi có bến tàu đặc biệt nằm trong lòng núi, từ thập niên 1960 và hoàn thành sau Chiến tranh Lạnh với chi phí 500 triệu USD. Căn cứ này từng được NATO sử dụng đến khi bị đóng cửa năm 2009 và sau đó được bán cho tư nhân với giá 5 triệu USD.
Căn cứ này hiện do Tập đoàn Olavsvern sử dụng làm nơi lưu trú cho các thuyền lớn nhỏ. Công ty Dịch vụ Chính phủ WilNor năm 2019 thay mặt Tổ chức Hậu cần Lực lượng vũ trang Na Uy mua lại 66% cổ phần Tập đoàn Olavsvern. Truyền thông Na Uy cho biết hải quân Mỹ sẽ làm việc với WilNor để hoàn tất thương vụ thuê cảng.
Olavsvern có hàng loạt cơ sở hạ tầng phù hợp với tàu ngầm hạt nhân Mỹ. Căn cứ có diện tích 2,5 hecta, trong đó gần 0,3 hecta là cảng nước sâu có thể tiếp nhận tàu ngầm cỡ lớn, cùng ụ nổi và nhiều cơ sở bảo dưỡng, một doanh trại cùng nhiều kho bãi hậu cần. Toàn bộ căn cứ nằm sâu gần 300 m trong lòng núi đá, đủ sức đối phó mọi nỗ lực tập kích đường không của đối phương.
Thành phố Tromso nằm cách không xa hạt Finnmark ở miền bắc Na Uy, khu vực giáp biên giới trên bộ với tỉnh Murmansk và bán đảo Kola của Nga. NATO cho rằng Finnmark có thể là trọng điểm đối đầu với Nga nếu một cuộc xung đột quy mô lớn diễn ra.
Cuộc chạy đua Nga - Mỹ ở Bắc Cực đang dần nóng lên trong những năm gần đây, do biến đổi khí hậu có thể khiến trữ lượng dầu mỏ và khí đốt khổng lồ ở khu vực này dễ tiếp cận hơn. Tổng thống Nga Vladimir Putin từng tuyên bố Bắc Cực là "khu vực quan trọng nhất với tương lai của Nga", trước khi thành lập Bộ Phát triển Viễn Đông và Bắc Cực.
Mỹ cũng bắt đầu chú ý tới hoạt động của Nga ở Bắc Cực, cho rằng cần thay đổi chiến lược ở khu vực này. NATO cuối năm 2018 tổ chức cuộc tập trận Trident Juncture với sự tham gia của 40.000 binh sĩ, đánh dấu hoạt động quân sự lớn nhất tại Na Uy trong hơn 10 năm qua, nhằm kiểm tra khả năng chiến đấu của binh sĩ trong điều kiện khắc nghiệt gần Bắc Cực.
Ba tàu khu trục Mỹ hồi tháng 5 cũng tiến vào Biển Barents ở phía bắc Nga, đánh dấu lần đầu hải quân Mỹ hiện diện tại đây từ thập niên 1980. Tàu ngầm hạt nhân tấn công USS Seawolf của Mỹ cuối tháng 8 cũng cập cảng thành phố Tromso, động thái được cho là tín hiệu gửi tới Nga khi nước này chuẩn bị tổ chức hàng loạt đợt tập trận lớn ở biển Barents và các vùng lân cận.
Vũ Anh (Theo Sputnik)