Ngày 13/11, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố kế hoạch tăng công suất điện hạt nhân thêm 200 GW năm 2050, gấp 3 lần so với năm 2020. Việc này sẽ được thực hiện thông qua xây nhiều lò phản ứng mới, tái khởi động các nhà máy và nâng cấp cơ sở hạ tầng hiện tại. Về ngắn hạn, Nhà Trắng đặt mục tiêu bổ sung 35 GW trong 10 năm tới.
"4 năm qua, Mỹ đã chuẩn bị sẵn sàng cơ sở hạ tầng và công nghệ để thực hiện kế hoạch này", ông Ali Zaidi - cố vấn khí hậu của Nhà Trắng cho biết. Zaidi khẳng định chính phủ Mỹ đang giải quyết các vấn đề kìm hãm sự phát triển của hạt nhân, như thiếu lao động có kiến thức, nguồn cung nhiên liệu trong nước và cơ sở pháp lý.
Bản kế hoạch gồm 36 trang, nêu chi tiết các bước Mỹ cần thực hiện để khôi phục vị thế trong mảng điện hạt nhân. "Mỹ và các nước đồng minh cần cung cấp năng lượng sạch và an toàn từ điện hạt nhân cho thế giới", tài liệu viết. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), năng lượng hạt nhân đang chiếm gần 20% cơ cấu điện tại nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Chiến lược trên nhiều khả năng được Tổng thống đắc cử Donald Trump ủng hộ. Ông từng kêu gọi xây nhiều lò phản ứng mới, nhằm tăng nguồn cung điện cho nhu cầu trong nước.
Điện hạt nhân cũng được hai đảng Cộng hòa và Dân chủ Mỹ ủng hộ. Hồi tháng 7, Quốc hội Mỹ thông qua luật cho phép Ủy ban Quản lý Điện hạt nhân các công cụ mới để quản lý lò phản ứng tiên tiến, cấp phép các dạng năng lượng mới và đánh giá đột phá về công nghệ giúp sản xuất điện nhanh và rẻ hơn.
Gần đây, nhiều đại gia công nghệ Mỹ cũng tìm đến điện hạt nhân để phát triển các sản phẩm liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI). Hồi tháng 9, Microsoft ký hợp đồng mua điện từ nhà máy điện hạt nhân Three Mile Island ở Pennsylvania. Google, Amazon và tỷ phú đầu tư Ken Griffin cũng quan tâm đến dạng năng lượng này.
Google tháng trước công bố thỏa thuận hợp tác với Kairos Power, một công ty khởi nghiệp về lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ (SMR) tại California (Mỹ). Tập đoàn này hỗ trợ để Kairos khởi động lò phản ứng đầu tiên năm 2030. Khi đó, họ sẽ mua điện từ Kairos để đáp ứng nhu cầu phát triển AI.
Kế hoạch của chính phủ Mỹ được công bố trong bối cảnh các lãnh đạo thế giới tham gia Diễn đàn Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) tại Azerbaijan. Thời gian qua, các nước ngày càng chịu sức ép giảm khí thải carbon.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết sự phổ biến của các công nghệ như điện gió và điện mặt trời đã tăng vọt kể từ năm 2010. Tuy nhiên, quá trình này với điện hạt nhân không có nhiều tiến triển. Nhiều nước vẫn còn e ngại sau sự cố vỡ ba lò phản ứng tại Fukushima (Nhật Bản) năm 2011.
Hà Thu (theo Bloomberg, The Verge)