Đại tá Tim Moore, giám đốc Chương trình Hiện đại hóa Tàu khu trục 2.0 của hải quân Mỹ, hôm 8/4 tiết lộ kế hoạch nâng cấp lưới phòng thủ cho loạt khu trục hạm lớp Arleigh Burke, nhằm cải thiện năng lực đối phó với những mối đe dọa như máy bay không người lái (UAV) tự sát và tên lửa hành trình tốc độ cao.
Một trong những phương án được đề xuất là tháo bỏ hệ thống phòng thủ tầm cực gần (CIWS) Phalanx trên tàu chiến và thay chúng bằng các bệ phóng tên lửa tầm ngắm RIM-116.
"Bệ phóng Mark 49 sẽ được lắp cho những chiến hạm lớp Arleigh Burke trang bị hệ thống chiến đấu Aegis mới nhất, còn tổ hợp SeaRAM sẽ xuất hiện trên những tàu không tương thích với Mark 49. Chúng sẽ thay thế hệ thống CIWS Phalanx có sẵn của chiến hạm", tài liệu đề xuất ngân sách năm tài khóa 2025 được hải quân Mỹ công bố cuối tháng trước có đoạn.
Mark 49 là bệ phóng mang được 21 tên lửa RIM-116, được tích hợp vào hệ thống chiến đấu và sử dụng dữ liệu mục tiêu từ cảm biến trên tàu chiến. Trong khi đó, SeaRAM là hệ thống chiến đấu độc lập gồm bệ phóng mang 11 tên lửa RIM-116, radar cảnh giới và bám bắt mục tiêu, camera hồng ngoại và quang - điện tử.
Bệ phóng Mark 49 và SeaRAM sở hữu nhiều lợi thế hơn Phalanx. Mỗi quả đạn RIM-116 có tầm bắn 9 km và ứng dụng nhiều cơ chế dẫn đường, trong khi đạn pháo 20 mm chỉ đạt tầm bắn hiệu quả 1,5 km và không thể bám bắt mục tiêu như tên lửa. Tầm bắn vượt trội, hệ thống dẫn đường cũng cho phép Mark 49 và SeaRAM đánh chặn nhiều mục tiêu liên tiếp hơn so với Phalanx.
Hải quân Mỹ đang biên chế 73 tàu khu trục lớp Arleigh Burke, chia làm ba phiên bản với những cấu hình chiến đấu khác nhau. Các tàu thuộc phiên bản Flight I và Flight II, cùng 7 tàu Flight IIA, được trang bị hai cụm CIWS Phalanx đặt ở trước tháp chỉ huy và sau đuôi. Những chiếc còn lại chỉ mang một hệ thống Phalanx ở sau thượng tầng.
Đề xuất được đưa ra gần hai tháng sau vụ một tên lửa của lực lượng Houthi lọt qua hai lớp phòng thủ vòng ngoài và áp sát được tàu khu trục USS Gravely trong phạm vi hơn 1,5 km, khiến nó phải kích hoạt hệ thống Phalanx để chặn mục tiêu.
Đây là lần đầu tiên tàu chiến Mỹ ở Biển Đỏ phải kích hoạt Phalanx, lá chắn cuối cùng trong mạng lưới phòng thủ đa tầng, để đối phó đòn đánh của Houthi.
Tom Karako, giám đốc Dự án Phòng thủ Tên lửa tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho rằng tên lửa Houthi áp sát được tàu chiến Mỹ là dấu hiệu đáng lo ngại. Ngay cả tên lửa hành trình và UAV bay chậm cũng có thể bay hơn một km chỉ trong vài giây, nên chỉ huy tàu chiến Mỹ sẽ không có nhiều thời gian phản ứng nếu đối mặt với đòn đánh ở cự ly gần như vậy.
Ngoài đối phó UAV và tên lửa của các nhóm dân quân, trang bị bệ phóng tên lửa RIM-116 cũng là nỗ lực của Washington nhằm chuẩn bị cho kịch bản xung đột quy mô lớn với các cường quốc, đặc biệt là tại khu vực Thái Bình Dương, trong đó mỗi chiến hạm Mỹ có thể phải đối mặt với hàng loạt tên lửa hành trình và đạn đạo của đối phương.
Vũ Anh (Theo War Zone)