"Chuyến đi sẽ tập trung vào quan hệ đồng minh và đối tác, cũng nhằm cải thiện năng lực tác chiến. Mục tiêu của chúng tôi là bảo đảm có năng lực và kế hoạch tác chiến, đủ sức tạo ra khả năng răn đe đáng tin cậy trước Trung Quốc và bất kỳ ai muốn gây hấn với Mỹ", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói hôm 13/3, đề cập đến chuyến thăm loạt nước châu Á của ông và Ngoại trưởng Antony Blinken.
Bộ trưởng Austin thừa nhận lợi thế cạnh tranh của Washington đã suy giảm, cho rằng Trung Quốc đã nhanh chóng hiện đại hóa quân đội trong lúc Mỹ tập trung cho cuộc chiến chống khủng bố và phiến quân ở Trung Đông. "Chúng ta vẫn duy trì lợi thế đó và sẽ tăng cường nó trong thời gian tới", ông nói thêm.
Bộ trưởng Lloyd và Ngoại trưởng Blinken sẽ cùng xuất hiện tại Tokyo và Seoul. "Một trong những điều chúng tôi muốn làm là bắt đầu củng cố quan hệ đồng minh, tập trung vào lắng nghe và học hỏi, tìm hiểu quan điểm của họ", người đứng đầu Lầu Năm Góc cho hay.
Mỹ muốn tăng cường quan hệ trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương khi Trung Quốc áp dụng chính sách đối ngoại ngày càng quyết liệt ở châu Á và nhiều nơi khác. Chính quyền Tổng thống Joe Biden ủng hộ cách tiếp cận cứng rắn với Bắc Kinh được đưa ra dưới thời người tiền nhiệm Donald Trump, nhưng cho rằng nó sẽ có hiệu quả hơn khi kết hợp cùng tăng cường quan hệ với các đồng minh và đối tác.
Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hồi đầu tháng 3 trình lên quốc hội Mỹ báo cáo Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương (PDI), cảnh báo "mối nguy hiểm lớn nhất với tương lai của Mỹ vẫn là suy giảm năng lực răn đe thông thường" và đề xuất triển khai mạng lưới tên lửa dẫn đường có độ chính xác và khả năng sống sót cao trên "chuỗi đảo thứ nhất" ở Thái Bình Dương, mở rộng nhiệm vụ của các tổ hợp tên lửa phóng từ mặt đất sử dụng đầu đạn thông thường.
Bên cạnh đó, quân đội Mỹ cũng kêu gọi cải thiện hệ thống phòng thủ tên lửa ở "chuỗi đảo thứ hai", duy trì lực lượng phân tán để duy trì ổn định khu vực và bảo đảm khả năng chiến đấu trong thời gian dài khi cần thiết.
"Chuỗi đảo thứ nhất" là thuật ngữ dùng để chỉ khu vực bên trong vành đai nối từ quần đảo Kuril qua Nhật Bản, đảo Okinawa, đảo Đài Loan và tới Philippines. "Chuỗi đảo thứ hai" bắt đầu từ quân cảng Yokosuka ở Nhật đến Indonesia, với trung tâm là đảo Guam của Mỹ.
Vũ Anh (Theo AFP)